Kinh tế Việt Nam năm 2010: Cơ hội song hành cùng thử thách!

Đỗ Hải

TCTC Online - Đất nước vừa trải qua một năm đầy biến động cùng khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bước sang năm 2010, có rất nhiều nhận định khá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng còn không ít cảnh báo rằng vẫn chưa hết những đám mây xám còn bao phủ nền kinh tế. Điều đó dường như đồng thuận với những dự cảm của các chuyên gia đầu ngành kinh tế khi trao đổi với Tạp chí Tài chính nhân dịp đầu Xuân Canh Dần.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan:

"Cơ hội song hành cùng thử thách"

Năm 2010, dù còn nhiều chật vật nhưng được dự báo là năm nền kinh tế thế giới phục hồi; kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục lấy lại được đà tăng trưởng khá. Đây cũng là năm ghi nhiều dấu ấn hết sức quan trọng đối với đất nước, đồng thời có nhiều thử thách mới chúng ta cần phải vượt qua. 
Năm 2010 có tầm quan trọng đặc biệt với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam. Đây là năm cuối cùng nước ta thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010; là thời cơ để thực hiện chương trình tổng thể tái cấu trúc hoạt động sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục những tồn tại yếu kém, tạo bước khởi đầu cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm tiếp theo (2011- 2015).

Năm nay còn được coi là ngưỡng cửa bước vào giai đoạn nước rút đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và để Việt Nam bước ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Những lợi thế như: GDP trụ được ở mốc tăng trưởng trên 5%/năm; vị thế trên trường quốc tế đang được khẳng định với tín nhiệm cao... sẽ giúp Việt Nam vững vàng bước vào năm 2010 thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Trong năm nay, theo kế hoạch GDP tăng trưởng 6,5% so với năm 2009 (GDP theo giá trị thực tế khoảng 1.931,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 106 tỷ USD, bình quân đầu người trên 1.200USD); Tổng thu NSNN đạt 4.456,4 nghìn tỷ đồng; Tổng chi NSNN 581,9 nghìn tỷ đồng; Bội chi NSNN 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% GDP; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41,5% GDP; CPI tăng khoảng 7%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc tại nước ngoài; Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; Diện tích nhà ở đô thị bình quân đạt 13,5m2/người; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 67%... Các chỉ tiêu này đã được xác lập với niềm tin vào triển vọng của một nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2009, tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bản lĩnh và dày dạn về kinh nghiệm để đối phó với những khó khăn thách thức. Bản lĩnh và kinh nghiệm này được tích tụ trong suốt hơn 20 năm đổi mới, cộng thêm tinh thần khát khao, ý chí làm giàu của cộng đồng DN đang dâng cao. Đặc biệt, sau 3 năm gia nhập WTO chúng ta có thể nhìn nhận lại rõ hơn những tác động hữu hình và vô hình đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Về mặt hữu hình, sau năm 2007 gia nhập WTO, đến năm 2008, xuất khẩu đã gia tăng đáng kể, tuy nhiên đến năm 2009 lại bị âm 9% do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không hội nhập, xuất khẩu sẽ còn bị giảm nhiều hơn thế. Liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2007 số vốn cam kết là trên 21 tỷ USD, năm 2008 đạt 64 tỷ USD, năm 2009 đạt trên 20 tỷ USD - đây không phải là kết quả tồi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Về mặt vô hình, xã hội đã nhận thức được nhu cầu hội nhập và đồng thuận cao. Đặc biệt, hội nhập đã tạo ra sức ép tích cực đó là buộc các cơ quan trung ương và địa phương phải quyết liệt hơn trong việc cải cách thủ tục hành chính (Chính phủ chỉ đạo giảm tối thiếu khoảng 30% các thủ tục hành chính trong năm 2010). Các DN cũng đã nhận thức được sự "đỏng đảnh" của nền kinh tế thị trường và sự khắc nghiệt trong cạnh tranh để từ đó xoay xở, thích ứng tốt hơn trong năm 2010 này.

Ngoài WTO, 2010 là năm nhiều Hiệp định và các cam kết thương mại giữa Việt Nam với các nước và các thị trường quốc tế có hiệu lực như: Thị trường tự do với Trung Quốc, Hiệp định đầu tư với Nhật Bản, các hiệp định với Mỹ, Úc, Liên minh Châu Âu…đang đàm phán.  Đây là những cơ hội đang mở rộng cho Việt Nam nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức đặt ra trong năm: Kinh tế thế giới phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro; Nền kinh tế Việt Nam qua giai đoạn khủng hoảng đang bộc lộ nhiều điểm yếu (như hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế chưa hoàn chỉnh); Nền kinh tế thế giới đang tái cấu trúc (như đổi mới nhanh các công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng…) và Việt Nam không thể đứng ngoài vòng xoáy này. 

Để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam cần phải nhận biết tốt hơn các thị trường tự do, thể chế thị trường, nếu không sẽ khó ứng xử. Các cơ quan nhà nước cũng cần nghiên cứu nhiều hơn về thị trường thế giới để có các chính sách cơ động, linh hoạt nhưng phải dễ tiên đoán. Trong năm 2010, Việt Nam cũng phải chọn lựa giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng; đối mặt với mâu thuẫn muốn ổn định vĩ mô phải thắt chặt tiền tệ; Cân bằng giữa thị trường ngoài nước và trong nước, giữa can thiệp của Nhà nước và điều tiết thị trường; Đặc biệt là chọn lựa mô hình phát triển phù hợp cho những năm tiếp theo.


GS.,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài:

"Hướng tới tăng trưởng bền vững"

Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2010 đã được xác định. Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, các giải pháp thực hiện phải đồng bộ, hướng vào mục tiêu kinh tế- xã hội, chứ không nên đề ra giải pháp có tính cục bộ, nhất thời đối phó như trong tình trạng lạm phát cao và suy thoái kinh tế. Bằng cách tiếp cận này ta thấy nổi lên một số vấn đề cần nghiên cứu thực hiện trong năm 2010:

Thứ nhất là, tái cơ cấu kinh tế sau khủng hoảng: Trạng thái suy thoái đã bộc lộ khá đầy đủ nhược điểm về cấu trúc kinh tế. Do đó đây được coi là cơ hội để lành mạnh hóa các lĩnh vực hoạt động, tạo ra cấu trúc kinh tế hợp lý, có năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn... Vấn đề là khi tổ chức thực hiện cần dựa trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng từ bài học của khủng hoàng kinh tế và phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân đặc biệt là giới chuyên gia, nhà khoa học... ở nhiều lĩnh vực mới hy vọng đề ra được những định hướng và giải pháp thích hợp.

Thứ hai là, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội: Đây là vấn đề nổi lên trong nhiều năm, nhất là năm 2009. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2009 bằng 41% GDP, trong khi tăng trưởng đạt 5,32%; chỉ số ICOR là trên 8,0. Với mức đầu tư xã hội trong bối cảnh khủng hoảng, mức tăng trưởng GDP như vậy là khá tốt cho dài hạn. Tuy nhiên, chỉ số ICOR này là khá cao, cần có những giải pháp đồng bộ để ít nhất năm 2010 hạ ICOR xuống 5,0 như mấy năm vừa qua và tiếp đó giảm nhiều hơn để đạt được mức trung bình của các nước trong khu vực - từ 3,0 đến 3,5.

Thứ ba là, quan hệ giữa thị trường trong nước với quốc tế: Hiện các DN Việt Nam đã quan tâm đến thị trường nội địa, nhưng không ít vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ như làm thế nào để người tiêu dùng "yêu” hàng Việt Nam, thị trường nội bị lép vế... Không phải là áp đặt chủ trương bảo hộ mậu dịch, cũng không thể không tiếp tục khuyến khích xuất khẩu mà vấn đề là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và hiệu quả hoạt động thương mại nội địa, xuất nhập khẩu. Ở đây có thể dẫn ra ví dụ điển hình: Một là, năm 2009 nước ta xuất khẩu gạo đạt khoảng 6 triệu tấn, nhưng giá lại thấp hơn gạo của Thái Lan rất nhiều, khoảng 100 USD/tấn. Nếu giá gạo Việt Nam bằng Thái Lan thì chỉ riêng xuất khẩu gạo đã thu thêm được 600 triệu USD. Đây là khoản lãi ròng không chỉ có ý nghĩa đối với người nông dân và DN kinh doanh mặt hàng này mà còn với đất nước; Hai là, tình trạng nhập siêu khá lớn và hoạt động biên mậu trong buôn bán với Trung Quốc đã được đề cập đến nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản.

Với đà phát triển mạnh của "người láng giềng" thì có khả năng tình hình này sẽ còn tiếp diễn và gây hậu quả khó lường cho thị trường nội địa. Do đó, năm 2010 cần có giải pháp để vừa khắc phục một phần hiện trạng, vừa đề phòng những tình huống có thể xảy ra trong tương lai.

Thứ tư là, vấn đề an sinh xã hội: Chủ trương của Nhà nước là luôn quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho tầng lớp dân cư, người dân vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Trên cơ sở chủ trương đúng đắn đó, đánh giá khách quan các giải pháp đã được thực hiện năm 2009, tìm ra nguyên nhân của thực trạng an sinh xã hội còn nhiều bất ổn, để có giải pháp mạnh mẽ, thiết thực đối với các tầng lớp dân cư đang gặp nhiều khó khăn, tạo thêm việc làm cho hàng triệu người, giảm bớt bất công xã hội.

Thứ năm là, nâng cao hiệu năng của quản lý Nhà nước: Vấn đề được đặt ra là phải có tầm chiến lược để các ngành, các cấp thực hiện. Những tiến bộ đạt được trong thời gian qua là không thể phủ nhận, nhưng khoảng cách giữa mục tiêu với thực trạng vẫn còn khá lớn. Người dân, DN và NĐT còn mất khá nhiều thời gian, công sức và chi phí khi cần phải có các quyết đinh của cơ quan công quyền với câu cửa miệng "hành là chính". Do đó, nên đặt tên cho năm 2010 là "Năm cải cách nền hành chính quốc gia" để khắc phục tình trạng trì trệ, tập trung sự chỉ đạo của Chính phủ một cách quyết liệt hơn. Hướng đến mục tiêu từ năm đầu của Chiến lược kinh tế - xã hội 2010 – 2011, nước ta có được bộ máy quản lý Nhà nước có hiệu năng cao, với đội ngũ công chức đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất và năng lực của Nhà nước "của dân, do dân, vì dân" như ý Đảng, lòng dân. 

TS. Võ Trí thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TW:

"Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào chính sách vĩ mô"

Nhìn ra thế giới và khu vực thì quý đầu năm 2010 sẽ là thời điểm khó khăn, lưỡng nan về mặt chính sách của nhiều nước. Lưỡng nan về cách thức rút lui khỏi sự can thiệp, hỗ trợ ồ ạt của các chính phủ như thế nào. Kinh tế thế giới được nhìn nhận lạc quan hơn với mức tăng trưởng dương, tại một số nước thậm chí là rất khả quan.

Thế nhưng, quá trình phục hồi còn yếu. Những vấn đề về tài chính và hàng loạt các vấn đề khác vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ vỡ. Trong bối cảnh này, nếu muốn tiếp tục kích thích kinh tế thì sẽ phải lo đối mặt với lạm phát, thâm hụt ngân sách quá cao, không kiểm soát nổi nợ chính phủ - tức là tiếp tục tăng trưởng thì sẽ gây ra những rủi ro vĩ mô rất lớn. Nếu dừng hỗ trợ, can thiệp thì nhiều nước sẽ quay trở lại vòng suy thoái.

Do nền kinh tế có độ mở cao nên trong bối cảnh thay đổi chính sách của các nước chắc chắn hoạt động thương mại và đầu tư ở Việt Nam sẽ bị tác động. Vì vậy, năm 2010 được dự báo có mức tăng trưởng tốt hơn năm 2009 nhưng đồng thời những rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng có thể cao hơn. Đặc biệt quý I/2010 được coi là thời điểm hết sức nhạy cảm, đòi hỏi sự linh hoạt trong lựa chọn chính sách...

Thời gian vừa qua với việc điều chỉnh tỷ giá, lãi suất của NHNN có thể thấy Việt Nam đã có sự linh hoạt và những diễn biến tình hình hiện nay cho thấy nỗ lực cao của Chính phủ trong việc tập trung ổn định kinh tế vĩ mô ngay từ những tháng đầu năm 2010. Còn nhìn dài hơn, một bài toán lớn đang đặt ra là lựa chọn thế nào để có mức tăng trưởng tốt hơn, đảm bảo được an sinh xã hội, kinh tế tiếp tục phát triển, giảm thiểu bất ổn kinh tế vĩ mô. Đây chính là một thách thức lớn đặt ra trong cả năm 2010 về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Mức tăng trưởng 6,5 % năm 2010 là vừa đúng tầm khả năng đạt được, vừa giảm thiểu những bất ổn kinh tế vĩ mô. Còn với mức tăng 8,5% như một số chuyên gia nhận định, tôi cho rằng hơi lạc quan. Bởi vì, với ấy thì dễ bị "lỏng tay” về ổn định nền kinh tế vĩ mô năm 2010 nhìn trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế không có gì mâu thuẫn nhau. Chính ổn định kinh tế vĩ mô là một điều kiện quan trọng cho tăng trưởng GDP.

Bước vào năm 2010, chúng ta cần có cái nhìn xa hơn, dài hơi hơn để tạo sự bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội. Không nên chỉ nhìn những thách thức trong 2010 mà quên đi công cuộc tiếp tục cải cách. Chính ổn định kinh tế vĩ mô  sẽ tạo tiền đề cho việc làm phát triển tốt hơn, nhanh hơn khi kinh tế thế giới ổn định hơn. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam vượt qua những thách thức tiếp theo nếu thế giới vẫn còn những bất ổn. Cải cách ấy bao gồm nhiều vấn đề: Tiếp tục cải cách DNNN, cái hiện nay chúng ta đang làm rất là mạnh là đơn giản hoá các thủ tục hành chính; Tiếp tục phát triển cơ cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực... để chuẩn bị hành trang không chỉ cho riêng năm 2010 mà là cho tương lai,  cho các thế hệ tiếp sau.

TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp:

"Sẽ không xuôi chèo mát mái..."

Trong năm 2010, nền kinh tế thế giới được dự báo là sẽ tiếp tục hồi phục, nhưng không xuôi chèo mát mái. Đó có thể là sự phục hồi hình chữ W, chứ không phải là chữ V. Đối với kinh tế Việt Nam sẽ có những tác động đan xen với nhiều thuận lợi và khó khăn.

Việt Nam là nền kinh tế mở, nên sự phục hồi yếu ớt của kinh tế thế giới cũng sẽ kéo theo những tác động không thuận cho tăng trưởng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Một khó khăn khác ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam là sự biến động của đồng USD. Thêm vào đó, nguy cơ tăng xuất khẩu bằng nhiều cách của hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trong năm 2010 là khá lớn do thực thi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN.

Ngoài ra, tình trạng mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế, bội chi ngân sách cao, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại cũng là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với Việt Nam trong năm nay. Tình trạng mất cân đối vĩ mô, thanh khoản ngân hàng hạn chế tác động không tích cực đến hoạt động của DN là những thách thức lớn, cần có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, khả năng để nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010 đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2009 là khá rõ nét, mặc dù không dễ dàng.

Mục tiêu quan trọng nên hướng đến trong điều hành kinh tế năm 2010 là cùng với kế hoạch ngắn hạn, nên tạo những cải cách mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực để tạo đột phá trong mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, có giá trị gia tăng cao. Hiện nay nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo bề rộng, dựa vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực giá rẻ. Trong khi nguồn lực này đang ngày càng cạn kiệt, thì không còn con đường nào khác Việt Nam phải chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế theo chiều sâu với hàm lượng chất xám cao. Do đó, nếu không có đột phá thì nguy cơ lỡ “chuyến tàu thời đại” trong cuộc đua nâng cao thứ hạng cạnh tranh của nền kinh tế là đáng lo ngại.

Năm 2010, Việt Nam nên tập trung nguồn lực để tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó nhiều lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện các cải cách. Việc đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, để giảm tối đa chi phí đầu tư, kinh doanh của DN. Cải cách hành chính cần có sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng DN và các cơ quan công quyền nhằm tìm cách tháo gỡ vướng mắc, cản trở mà DN gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Thêm vào đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình hiệu quả, sớm hoàn thành để tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế. Chính phủ cần phát huy hơn nữa chức năng quản lý vĩ mô, để điều hành tốc độ đầu tư ở các tỉnh theo hướng đảm bảo hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan. Đồng thời, có kế hoạch phát triển thị trường nội địa bài bản, qua đó góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, tạo ra động lực cho DN phát triển; Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội mang lại từ hội nhập. Chính sách tiền tệ cần điều hành linh hoạt, tránh giật cục và nâng cao năng lực dự báo, phân tích tình hình, để chủ động phản ứng chính sách hiệu quả...

Một trong những “nút thắt” lớn của nền kinh tế  hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam đang có nguồn tài nguyên con người dồi dào, nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đây là một sự lãng phí lớn, nếu không sớm khắc phục chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Để tháo bỏ "nút thắt" này, năm 2010 nên đẩy mạnh thực hiện cải cách giáo dục, với sự vào cuộc của toàn xã hội để đặt nền giáo dục nước nhà vào đường ray của sự đổi mới. Có như vậy mới sớm tạo ra được một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho mục tiêu tái cơ cấu DN, tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu, mang lại giá trị gia tăng lớn trong dài hạn.

Mặt khác, bản thân các DN cũng cần năng động, sáng tạo, tái cơ cấu mình cho phù hợp. Với vai trò là động lực chính cho sự tăng trưởng của nền KT, nếu các DN không sớm có chiến lược tái cơ cấu theo hướng phát triển dài hơi, bài bản dựa vào chất xám, có giá trị gia tăng cao, thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế cả ở giai đoạn trước mắt, cũng như lâu dài.