Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020


Sáng ngày 13/6/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với 442/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,32%.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được thông qua có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với nội dung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thu; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Các hành vi bị cấm khác là: Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật. Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuếLuật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật quy định theo hướng Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế.

Cơ quan quản lý thuế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu về hóa đơn, hồ sơ thuế để thực hiện giao dịch điện tử giữa người nộp thuế với cơ quan quản lý thuế và giữa cơ quan quản lý thuế với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quốc hội đã thống nhất quy định có 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ... sẽ được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ các nội dung về: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; đăng ký thuế; sử dụng mã số thuế; khai thuế và tính thuế; nghĩa vụ nộp thuế; thủ tục hoàn thuế; kiểm tra thuế, thanh tra thuế; thanh tra thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế…

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Trong đó, quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Luật cũng quy định về việc khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực trước ngày 01/7/2022.

Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.