Mang khát vọng hai “nhất” đến trời Âu

Đoàn Trần

11 ngày làm việc liên tục tại châu Âu (từ 11 đến 22/9), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mang theo khát vọng hai “nhất” của Việt Nam. Đó là trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN, là điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực này của doanh nghiệp châu Âu.

Mang khát vọng hai “nhất” đến trời Âu - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Kaitanen.

Hiện, có hai “con thuyền” lớn nhất đưa Việt Nam ra biển lớn là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thì TPP đang “mắc cạn”. Vì vậy, nhiều hy vọng hơn đặt vào EVFTA, đang ở chặng cuối cùng.

Trọng trách được đặt lên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong chuyến công du lần này là để bạn bè quốc tế biết đến một Việt Nam ngày càng năng động hơn để rộng đường hơn cho tiến trình ký kết Hiệp định EVFTA. Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA vào tháng 12/2015, ngày 1/2/2016 văn bản Hiệp định đã được công bố và các bên nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018.

Tuy nhiên, theo phán quyết mới nhất của Tòa án châu Âu ngày 16/5/2017, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác, trong đó có Việt Nam, sẽ chỉ được phê chuẩn cũng như có hiệu lực khi nhận được sự đồng ý của quốc hội mỗi nước thuộc liên minh này. Như vậy, việc phê chuẩn FTA giữa EU và Việt Nam sẽ phải được quốc hội các nước thuộc khối này thông qua. Điều đó dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian kết thúc quá trình phê chuẩn.

Mang khát vọng hai “nhất” đến trời Âu - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Việc làm và Kinh tế Bỉ Kris Peeters. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Trưởng đoàn đàm phán EVFTA ông Petriccinone để trao đổi những vấn đề liên quan đến quá trình rà soát pháp lý hiện nay của Hiệp định EVFTA. Trong cuộc hội kiến Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Kaitanen, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những lợi ích to lớn do EVFTA mang lại không chỉ cho Việt Nam mà cho cả EU và các nước thành viên EU; tạo tiền đề gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa EU với khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

“Các kết quả đàm phán đã đạt được là rất quan trọng và có giá trị nhờ nỗ lực vượt bậc của cả hai bên, theo đó, hai bên cần trân trọng và tôn trọng những kết quả này”, ông Huệ nói, “nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, việc ký và phê chuẩn EVFTA càng có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình tự do hoá thương mại”

Lãnh đạo Ủy ban châu Âu đánh giá cao quyết tâm và thiện chí của Việt Nam và khẳng định EU coi trọng EVFTA. Ông Jyrki Kaitanen cho rằng Việt Nam có vị trí quan trọng không chỉ đối với quan hệ EU-Việt Nam mà còn là cầu nối của EU với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN được xem là cỗ máy tăng trưởng mới, trong đó Việt Nam là một quốc gia rất năng động trong việc nắm bắt được các tiềm năng lớn trong kinh doanh và hợp tác với EU cũng như trong thực hiện các chương trình về phát triển thương mại với EU. 

Mang khát vọng hai “nhất” đến trời Âu - Ảnh 3
  EVFTA sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin, khi EVFTA được ký kết và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Ðông - Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Ðiều này không chỉ vì Việt Nam có tiềm năng mà còn là đầu mối của thị trường ASEAN trong tương lai, nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành cuối năm 2015. Việt Nam sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu giữa hai khu vực EU và ASEAN.

Thực tế, như trong các cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ trưởng Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sĩ, ông Johann Schneider - Amman và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Thuế Hạ viện Thụy Sĩ, bà Susanne Leutenegger Oberholzer, cả hai ông, bà này đều khẳng định Việt Nam đối tác hàng đầu của Thuỵ Sĩ trong ASEAN và là nước có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Từ khi quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU được thiết lập vào tháng 10/1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của Liên minh châu Âu tại khu vực Đông Nam Á. Phạm vi hợp tác song phương trải rộng khắp các lĩnh vực, từ các vấn đề chính trị, đối phó với các thách thức toàn cầu, tới thương mại và phát triển.

Một trong những dấu mốc quan trọng đầu tiên của mối quan hệ song phương là việc ký kết Hiệp định Hợp tác Khung (FCA) vào năm 1995 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/6/1996. Tháng 6/2012, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện EU - Việt Nam (PCA), được ký kết, thể hiện cam kết của Liên minh châu Âu trong việc tiến tới mối quan hệ trên diện rộng và hai bên cùng có lợi. Ngày 2/12/2015, Việt Nam và EU đã thông báo chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Đây là Hiệp định FTA tham vọng và toàn diện nhất mà EU đàm phán và hoàn tất với một nước đang phát triển, cân bằng lợi ích cho cả hai bên.