Báo cáo tài chính nhà nước:
Minh bạch hóa thông tin tài chính nhà nước
Hệ thống Kho bạc Nhà nước đang tập trung cao độ triển khai nhiệm vụ lập và hướng dẫn các đơn vị Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc theo yêu cầu của Nghị định số 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 25) bảo đảm cả tiến độ và chất lượng.
Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc sẽ lần đầu tiên được trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 5/2020 nhằm cung cấp đầy đủ, toàn diện, minh bạch hơn thông tin về tình hình tài chính và ngân sách nhà nước. Qua đó, giúp Quốc hội đánh giá hiệu quả chi tiêu công, kiểm tra giám sát hoạt động tài chính nhà nước cũng như đánh giá năng lực sự tín nhiệm của nền tài chính quốc gia.
Minh bạch hóa thông tin tài chính nhà nước
Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập Báo cáo tài chính nhà nước theo quy định của Luật Kế toán 2015. Động thái này được đánh giá là bước cải tiến mạnh mẽ của ngành tài chính, qua đó thông tin tài chính nhà nước sẽ ngày càng được minh bạch hóa, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc.
Báo cáo tài chính nhà nước Tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi tỉnh, thành phố.
Việc tổ chức lập và công khai Báo cáo tài chính nhà nước thực hiện theo Nghị định số 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên phạm vi toàn quốc (gọi chung là Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc) và trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh).
Nghị định 25 cũng nêu rõ, Kho bạc Nhà nước giúp Bộ Tài chính lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh lập Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh theo chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước, trình UBND tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh và gửi Kho bạc Nhà nước để lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc.
Bên cạnh đó là áp lực về thời gian. Theo quy định của Luật Kế toán 2015, thời hạn lập trình báo cáo tài chính nhà nước cùng thời điểm quyết toán ngân sách nhà nước.
Theo đó, thời hạn hoàn thành báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện năm 2018 là trước ngày 30/6/2019; của Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh là trước ngày 1/10/2019. Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phải trình Quốc hội vào tháng 5 năm sau.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính đánh giá, quỹ thời gian như vậy không phải là nhiều với một nhiệm vụ khó khăn, lần đầu được triển khai và liên quan đến rất nhiều cơ quan, đơn vị. Kinh nghiệm ở một số nước, đặc biệt là những nước có nền quản lý tài chính phát triển như Hàn Quốc, Mỹ cho thấy thường từ khi luật quy định đến khi cho ra báo cáo đầu tiên lên tới hàng chục năm.
Báo cáo tài chính nhà nước là câu chuyện khác, phản ánh các thông tin ngân sách và thông tin ngoài ngân sách dưới góc nhìn tài chính; thông tin không chỉ xuất phát từ hệ thống kho bạc mà còn từ các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước. Chúng tôi phải nhận được thông tin từ các đơn vị bên ngoài để hoàn thành nhiệm vụ.”
Bà Đặng Thị Thủy.
Vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước đã tích cực, tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai tập huấn cho các địa phương; đồng thời, Kho bạc Nhà nước khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin phục vụ lập báo cáo.
Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, với hệ thống kho bạc, nghiệp vụ kế toán là xương sống nhưng chúng tôi mới làm kế toán ngân sách, cụ thể là theo dõi, hạch toán các khoản thu, chi ngân sách và các nguồn lực tài chính khác được Chính phủ, Bộ Tài chính giao quản lý.
Việc tổ chức triển khai Báo cáo tài chính nhà nước sẽ thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, những đơn vị đã áp dụng kế toán dồn tích điều chỉnh và lập đầy đủ 4 báo cáo tài chính là báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính (không gồm các đơn vị thuộc khu vực Nhà nước áp dụng theo chế độ kế toán doanh nghiệp) sẽ thực hiện tổng hợp đầy đủ thông tin về tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, kết quả hoạt động... các đối tượng đang áp dụng theo các chế độ kế toán khác có thể thực hiện tổng hợp từng bước, theo từng giai đoạn.
Ví dụ, đối với doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn đầu triển khai, chỉ tổng hợp và trình bày phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp dưới hình thức các khoản đầu tư của Nhà nước; sau khi triển khai thành công và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, sẽ thực hiện tổng hợp đầy đủ thông tin về tài sản, nguồn vốn, kết quả hoạt động… của các doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực và thông lệ trên thế giới.
Theo quy định hiện nay, quy trình tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện theo từng cấp. Theo đó, các đơn vị dự toán cấp 1 có trách nhiệm tổng hợp thông tin tài chính của đơn vị mình và các đơn vị cấp dưới để lập bộ báo cáo cung cấp thông tin tài chính và gửi kho bạc các cấp.
Các cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước; cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp lập bộ báo cáo cung cấp thông tin tài chính nhà nước do đơn vị quản lý gửi cho kho bạc các cấp. Kho bạc cấp dưới tổng hợp thông tin tài chính nhà nước của địa phương gửi cho Kho bạc cấp trên.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, để bảo đảm tính nhất quán và dễ hiểu thì các mẫu, bảng biểu báo cáo cần được thiết kế thống nhất theo chuẩn mực quốc tế với yêu cầu thời điểm báo cáo nghiêm ngặt. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải gắn được trách nhiệm và chế tài với các cá nhân, tổ chức cụ thể khi không tuân thủ nghiêm túc việc cung cấp thông tin.
Trường hợp đơn vị nào không cung cấp thông tin theo quy định thì Bộ Tài chính hay Sở Tài chính có thể tạm trì hoãn giải ngân các khoản chi tiêu tiếp theo cho đến khi họ cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.