Mở rộng đối tượng kiểm toán đến tận "người nộp thuế" là không được

Theo Nguyễn Lê/vneconomy.vn

Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc quản lý tài sản công, tài chính công, mở rộng đến đối tượng nộp thuế lại là không được, dứt khoát như vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

 Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết thúc phiên thảo luận. Nguồn: QH
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết thúc phiên thảo luận. Nguồn: QH

Sáng ngày 11/3, mở đầu phiên họp thứ 32, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Lần sửa đổi này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần quy định làm rõ đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị có liên quan để bao quát hết các tổ chức có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo đề xuất của Kiểm toán Nhà nước thì người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công... cũng sẽ nằm trong diện được kiểm toán.

Bản chất của đề xuất này, theo cơ quan thẩm tra dự án luật (Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) là mở rộng đơn vị được kiểm toán so với quy định của luật hiện hành.

Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Nguyễn Đức Hải phân tích, theo quy định của Luật Quản lý thuế, khái niệm "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, việc mở rộng đối tượng kiểm toán sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán.

Điều này dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin, ông Hải nói.

Phần thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn về tính khả thi về đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, hiện nay dù rất tích cực thì hoạt động kiểm toán cũng chưa bao bao phủ được hết các địa phương, nay dự thảo nói đối tượng là người nộp thuế, từ cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tập thể, hợp tác xã, trong quốc doanh, ngoài nhà nước thì rất rộng, liệu có khả thi không?

Người nộp thuế là đối tượng chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế chứ không phải đối tượng của Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Nếu mở rộng thì sẽ sinh ra nhiều hoạt động kiểm soát của các cơ quan đối với các hộ kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng góp ý về đối tượng kiểm toán, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng ghi thẳng vào dự thảo là "người nộp thuế" là rất rộng, trong khi ai cũng nói công việc thì quá tải, người không đủ.

"Đối tượng nộp thuế gồm các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, đến cá nhân, kể cả cán bộ lãnh đạo, những người lương cao cũng là đối tượng nộp thuế. Tôi thấy nên cân nhắc chỗ này", Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Hồi âm các góp ý, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội để có thể đưa các tổ chức nộp thuế vào phần các đơn vị liên quan chứ không đưa vào đối tượng kiểm toán nữa.

"Chúng tôi chỉ kiểm tra cơ quan thuế, từ kiểm tra cơ quan thuế chúng tôi đánh giá một số đơn vị nộp thuế xem thử cơ quan thuế thực hiện có đúng chức năng, quyền hạn của mình hay không, có để sót nguồn thu hay không, từ đó chấn chỉnh. Cơ quan kiểm toán không phải đi kiểm toán thuế để xem có đụng chạm đến tất cả các doanh nghiệp và người dân nộp thuế và cũng không đủ lực lượng, quyền năng làm việc đó", ông Phớc trình bày.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu đối tượng kiểm toán lần này không mở rộng so với quy định tại điều 4 của Luật Kiểm toán hiện hành là việc quản lý tài sản công, tài chính công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công của đơn vị được kiểm toán.

Không mở rộng mà chỉ làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan khi tiến hành kiểm toán, Phó chủ tịch khẳng định.

Ông Hiển cũng lưu ý có tài chính công thì có tài chính tư, nhưng tài chính tư không phải đối tượng của Kiểm toán Nhà nước. Song các vấn đề tài chính tư liên quan đến các hoạt động kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước có quyền được kiểm tra.

Nhưng quy định đối tượng kiểm toán là người nộp thuế lại là không được, vì như thế quá rộng. Thường vụ nêu ý kiến dứt khoát như vậy, ông Hiển nhấn mạnh.