Mở rộng "đường" cho dòng vốn đầu tư Anh quốc vào Việt Nam


Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam diễn ra sáng ngày 4/7/2019 (theo giờ London) tại London (Anh) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng chủ trì đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam diễn ra sáng ngày 4/7/2019 (theo giờ London) tại London (Anh).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam diễn ra sáng ngày 4/7/2019 (theo giờ London) tại London (Anh).

Nhiều dư địa hợp tác

Phát biểu khai mạc trước hơn 200 NĐT nước ngoài, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Anh là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Anh tại Đông Nam Á.

Trong các quốc gia châu Âu, Vương quốc Anh hiện là NĐT FDI lớn thứ hai (sau Hà Lan) với 267 dự án có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Đức và Hà Lan) của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 6,77 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Vương quốc Anh đang đứng thứ 15 quốc gia có đầu tư vào Việt Nam (gần 5 tỷ USD). 

Giới thiệu về hình kinh tế - xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế cao và sẽ kiên định chính sách chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam đang dần hiện thực hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 với GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, phát triển bền vững. Qua đó, tiếp tục giữ vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN và tham gia sâu hơn, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam không ngừng hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cơ chế về cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch.

Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao sự tin tưởng và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các NĐT Anh quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trực tiếp gần 4 tỷ USD của NĐT Anh quốc vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Vương quốc Anh khi quốc gia này là 1 trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là quốc gia thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, đầu tư gián tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam hiện nay đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của NĐT Anh quốc và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các NĐT Anh quốc.

Cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam

Tại hội nghị, các nhà đầu tư đã được nghe giới thiệu và các hỏi đáp về chính sách cho thị trường vốn của Việt Nam. Một trong những cơ hội cho nhà đầu tư là tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN của Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, với mục tiêu cổ phần hóa DNNN mạnh mẽ của Chính phủ, sẽ có 140 DN phải thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó giai đoạn 2017 - 2018 mới thực hiện được cổ phần hóa được 37 DN, giai đoạn 2019 - 2020 số lượng các DNNN cần hoàn thành cổ phần hóa là rất lớn. 

“Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các DN hai nước. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi.”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Cho biết thêm về nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thông tin, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn, tổng công ty và các DN lớn triển khai cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn. Do vậy, số lượng DNNN thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn còn rất lớn và đây là cơ hội dành cho NĐT nước ngoài trong đó có NĐT Anh quốc.

Cùng với cổ phần hóa, thị trường chứng khoán Việt Nam thị trường tiềm năng cho NĐT nước ngoài. Chia sẻ với NĐT Anh quốc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 78,5% GDP tính đến cuối tháng 6/2019. Tính đến hết quý II/2019, mức vốn hóa thị trường đạt trên 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục vào ròng ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm. Trong bối cảnh tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các NĐT nước ngoài với giá trị vốn đầu tư gián tiếp vào ròng 5 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hướng tới tạo nền tảng pháp lý thống nhất, thông thoáng nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ DN phát triển. Đồng thời, khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI...

Hội nghị thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham dự.
Hội nghị thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham dự.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ mong muốn, sau diễn đàn này, các DN hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh. “Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các DN hai nước. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi” – Bộ trưởng khẳng định.

Thị trường đầy hứa hẹn

Tại hội nghị, chia sẻ về tình hình đầu tư tại Việt Nam, ông Clive Baker, CEO Prudential Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một thị trường nhiều hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đem lại lợi nhuận tốt. Ông cho biết, Prudential rất hài lòng về công việc kinh doanh tại Việt Nam. Thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ tăng 25% mỗi năm, các lĩnh vực bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm y tế và tiền gửi vẫn còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư.

Cùng qua điểm trên, ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital tại Việt Nam đánh giá lạc quan về đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Ông cho rằng thị trường tài chính Việt Nam khá hấp dẫn, giao dịch cổ phần, chứng khoán tại thị trường Việt Nam có giá trị hợp lý so với các nước khác trong khu vực và với các thị trường mới nổi khác.

Ông Scriven nhận định, Việt Nam đang làm rất tốt việc phát triển thị trường vốn. Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang có những bước đi rất đúng hướng. Ông cho rằng, Việt Nam giống như bất cứ thị trường mới nổi cận biên nào, Việt Nam không phải là thị trường cho đầu tư ngắn hạn, mà là thị trường cho các nhà đầu tư trung và dài hạn...

Đánh giá về Hội nghị xúc tiến đầu tư, các NĐT Anh quốc đều chung nhận định rằng, Hội nghị đã thu hút sự quan tâm rất lớn của NĐT. Đại diện các cơ quan quản lý của Việt Nam đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng và cởi mở, như về các vấn đề: Thuế, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, bảo hiểm và đặc biệt là chứng khoán. Điều này càng kích thích thêm sự quan tâm của nhà đầu tư Anh quốc với Việt Nam...