​Năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên dự kiến khoảng 63,8% tổng chi

PV.

Năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên dự kiến khoảng 63,8% tổng chi, thấp hơn dự toán năm 2018 là 64,1%, trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư 26,3% (cao hơn dự toán năm 2018 là 26,2%).

Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực. Nguồn: internet
Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực. Nguồn: internet

Báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 tại phiên họp ngày 16/10/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, phương án phân bổ dự toán ngân sách Trung ương 2019 báo cáo trên cơ sở dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng.

Dự toán bội chi NSNN là 222.000 tỷ đồng. Dự toán tổng chi cân đối NSNN là 1.633.300 tỷ đồng. Dự kiến khoảng 16.200 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1/7/2019. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên dự kiến khoảng 63,8% tổng chi (thấp hơn dự toán năm 2018 là 64,1%), tỷ trọng chi đầu tư 26,3% (cao hơn dự toán năm 2018 là 26,2%). Sự chuyển biến này trong cơ cấu chi ngân sách sẽ góp phần bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư - chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thu NSNN còn khó khăn, nhiệm vụ chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh - xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công lập chậm triển khai dẫn đến tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập sẽ kéo theo chi thường xuyên khó giảm tỷ trọng trong tổng chi NSNN.

Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối NSNN bền vững, không nên tăng lương bằng mọi giá, có thể dẫn đến nguy cơ làm thay đổi bản chất của NSNN, từ ngân sách phát triển thành ngân sách nặng chi cho tiêu dùng, gây áp lực lớn cho cân đối ngân sách các năm tiếp theo.