Nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019

Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính và thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, ngày 21/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (tài sản công).

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Nguồn: internet
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Nguồn: internet

Nghị định đi vào cuộc sống có tác động tích cực trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành cũng đã phát sinh những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.

Thực trạng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Đây là đạo luật có phạm vi và đối tượng rất rộng, có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Luật cũng đã quy định về nguyên tắc, hình thức, biện pháp, thẩm quyền, thủ tục, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định, hướng dẫn xử phạt đối với từng lĩnh vực cụ thể; trong đó, đối với tài sản công (TSC) được quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và Thông tư số 07/2014/TT-BTC ngày 14/01/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật, phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Mức xử phạt được quy định cụ thể đối với từng nhóm, đối tượng, hành vi. Đối với TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì việc xử phạt được quy định từ đầu tư, mua sắm cho đến quản lý, sử dụng, khai thác và xử lý TSC. Tùy từng loại hành vi, loại tài sản, giá trị tài sản mà mức xử phạt có thể từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và tương ứng là các biện pháp khắc phục hậu quả.

Nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công - Ảnh 1

Cùng với quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, pháp luật cũng quy định xử phạt đối với tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tùy từng loại hành vi, loại tài sản, giá trị tài sản mà mức xử phạt có thể từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và tương ứng là các biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, thanh tra và công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Người có thẩm quyền lập biên bản có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Thẩm quyền xử phạt quy định theo mức xử phạt và hình thức xử phạt.

Qua tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 192/2013/NĐ-CP trong thời gian qua cho thấy, đã có những tác động tích cực, khắc phục tồn tại, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng TSC, ngân sách nhà nước; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đầu tư, mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng TSC, ngân sách nhà nước.

Nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công - Ảnh 2

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy, sai sót chủ yếu là xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo công khai, phản ánh, cập nhật biến động tài sản… chưa đầy đủ, kịp thời, đúng tiến độ; bố trí sử dụng tài sản không đúng mục đích, công năng; nhận tài sản biếu, tặng, cho không đúng quy định; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định… Tuy nhiên, các cấp, các ngành đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh để các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện, chấp hành đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Vì thế, số vụ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC hiện nay không nhiều.

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 192/2013/NĐ-CP cũng đã phát sinh một số vấn đề, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC, cụ thể:

Thứ nhất, một số hành vi vi phạm còn quy định chung chung, định tính và chưa cụ thể về đo lường mức độ vi phạm để làm căn cứ xử phạt như “mức độ lãng phí” trong sử dụng tài sản; hành vi lập sai thông tin trong hồ sơ; hành vi chiếm đoạt, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt TSC mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi chuyển đổi công năng TSC không đúng quy định; hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản mà chưa đến mức bị chịu trách nhiệm hình sự. Một số hành vi vi phạm, ranh giới giữa xử lý vi phạm hành chính hoặc để chuyển hóa xử lý hình sự còn chưa thật rõ rệt, nên đôi lúc còn lúng túng trong thực hiện.

Thứ hai, mức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP còn thấp, chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa vi phạm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả vi phạm. Cụ thể như: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm tài sản là máy móc, trang thiết bị làm việc, tài sản khác có tổng giá trị một lần mua từ 100.000.000 triệu đồng trở lên và xe ô tô; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp không thỏa thuận về trang bị xe ô tô đối với tổ chức có hành vi không thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền trước khi ký Điều ước quốc tế cụ thể về ODA về nội dung trang bị xe ô tô khác với quy định của pháp luật Việt Nam…

Thứ ba, việc phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC qua công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý còn hạn chế, chưa chủ động. Nhiều vụ việc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng TSC chỉ được phát hiện thông qua phản ánh của người dân, phương tiện truyền thông, dư luận xã hội.

Thứ tư, một số hành vi phát sinh nhiều trong thực tế nhưng chưa được quy định về mức xử phạt như: Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng TSC mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; vi phạm trong quản lý, sử dụng khi chuyển đổi công năng sử dụng TSC; vi phạm trong quản lý, sử dụng khi sử dụng TSC để thực hiện dự án đầu tư… Nhiều hành vi được thực hiện bởi cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng TSC bị nghiêm cấm nhưng chưa thể xác định là hành vi vi phạm hành chính nên chưa thể xem xét xử phạt như: Cá nhân sử dụng tài sản không đúng tiêu chuẩn, định mức, mục đích, chế độ; sử dụng TSC lãng phí.

Thứ năm, theo Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ thì người đứng đầu có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả TSC được giao; khi sử dụng các tài sản, trang thiết bị phải thực hiện đúng chế độ, chính sách và đúng quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cho đến nay chưa được quy định cụ thể và chế tài xử lý thích đáng.

Nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công - Ảnh 3

Thứ sáu, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng TSC nói chung và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng TSC đôi lúc còn nể nang, chưa nghiêm, chưa thực chất, chủ yếu vẫn là nhắc nhở, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC theo Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017. Luật Quản lý, sử dụng TSC đã “luật hóa” một số hành vi vi phạm hành chính đang được quy định cụ thể tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP; bổ sung thêm một số hành vi vi phạm hành chính mới, đồng thời bãi bỏ một số hành vi không còn phù hợp. Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 192/2013/NĐ-CP. Trong đó, cần quy định chi tiết, cụ thể hơn và có thể lượng hóa được từng hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC; mở rộng phạm vi tài sản đầy đủ theo Luật Quản lý, sử dụng TSC như: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi... Đồng thời, nghiên cứu xem xét nâng mức xử phạt để tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm đối với từng hành vi, nhóm hành vi phù hợp với quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Bổ sung chế tài đảm bảo thực hiện nghiêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC; hạn chế tối đa tình trạng nể nang, nhắc nhở.

Về lâu dài, nghiên cứu, xem xét mở rộng, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng TSC quy định tại Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng TSC khi sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, thay vì chỉ giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và cơ quan thanh tra như hiện nay.

Hai là, quan tâm, chú trọng hơn nữa trong công tác tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm với cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng TSC để đảm bảo mọi hành vi vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời, tránh tình trạng bị động, nể nang như thời gian vừa qua. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSC cũng như việc xử lý vi phạm để người dân và toàn xã hội có thể giám sát, đảm bảo việc thực thi pháp luật được thực thi đầy đủ, nghiêm túc.

Ba là, đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng TSC để nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng TSC nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; hạn chế tình trạng nể nang khi xử lý vi phạm và các sai sót về trình tự thủ tục, nội dung khi ban hành các quyết định xử phạt.   

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
  2. Chính phủ (2013), Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Dự trữ quốc quốc gia; Kho bạc Nhà nước;

  3. Chính phủ (2013), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013;
  4. Bộ Tư pháp, Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Xử phạt vi phạm hành chính.