Nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân thời COVID-19: Hợp lý cả về “mặt lý lẫn tình”


Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động thu ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được đánh giá sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với người nộp thuế. Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất này của Bộ Tài chính cũng hợp lý cả về “mặt lý lẫn tình”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chia sẻ với khó khăn của người dân trong bối cảnh dịch bùng phát

Theo quy định của Luật Thuế TNCN, khi giá cả thị trường có biến động trên 20% thì phải điều chỉnh mức GTGC để tính thuế TNCN. Vừa qua, căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ số tiêu dùng đã tăng trên 20%, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, do đó việc nộp ngân sách của doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn…

PGS.,TS. Phạm Anh Phong – Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết về mặt pháp lý, Bộ Tài chính đã có trách nhiệm và thực thi đúng và kịp thời tinh thần theo Điều 1 của Luật thuế TNCN, khi mà chi phí cuộc sống tăng cao qua các năm, mức giảm trừ cũ đã quá lạc hậu và thiếu công bằng thì việc điều chỉnh là hết sức cần thiết tạo sự đồng thuận cho người nộp thuế. Đồng tình với quan điểm này, theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất  này của Bộ Tài chính cũng hợp lý cả về “mặt lý lẫn tình” bởi việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế trong thời điểm này là rất phù hợp tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

Theo dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đòng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, với việc điều chỉnh này, khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế TNCN ở mức đầu tiên (bậc 1) sẽ không phải nộp nữa. Vì nếu như trước đây luật quy định mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng, nếu người nộp thuế có 2 người phụ thuộc là 7,2 triệu đồng (3,6 triệu đồng/người), thì tổng thu nhập là 16,2 triệu đồng. Điều này có nghĩa, cá nhân có thu nhập trên 16,2 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế TNCN. Nhưng theo đề xuất hiện nay, Bộ Tài chính nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người, điều này có nghĩa cá nhân có thu nhập trên 19,8 triệu đồng mới phải nộp thuế TNCN.

Chuyên gia này cũng cho rằng, với những người có thu nhập cao hơn, phải nộp thuế trong khoảng bậc 2 trở đi thì rõ ràng cũng sẽ rất có lợi khi số thuế TNCN phải nộp cũng sẽ giảm đáng kể do được nâng mức giảm trừ gia cảnh lên. Việc giảm thuế này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng cá nhân người nộp thuế sẽ được lợi vì được giảm mức điều tiết về thuế.

Chưa hiểu đúng về thuế TNCN

Thực tế cho thấy, hiện nay, cũng có người chưa hiểu đúng về thuế TNCN. Chuyên gia về thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, sau đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính, nhiều người dân đang nghĩ thu nhập trên 11 triệu đồng đã phải nộp thuế, như thế thì sống làm sao được, hoặc để nuôi một đứa con chỉ 4,4 triệu đồng với những người ở nông thôn thì có thể đảm bảo được, nhưng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không thể đủ…

Trên thực tế, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng không có nghĩa cá nhân đó chỉ chi tiêu trong khoảng 11 triệu đồng, mà đây chỉ là mức được trừ trước khi tính thuế. Sau khi lấy tiền lương, tiền công trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà người nộp thuế nộp, trừ đi mức GTGC, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Trên cơ sở đó sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%. Phần còn lại sau thuế TNCN là của người nộp thuế.

Cũng phải làm rõ thêm rằng, mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật là mức chung, không phân biệt ở nông thôn hay ở thành phố. Mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ trước khi tính thuế TNCN cho bản thân người nộp thuế và những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng. Mức giảm trừ gia cảnh này không phải mức để cho người nộp thuế và người phụ thuộc đủ sống, mà đây là tính trên cơ sở mức tiêu dùng tối thiểu.