Nền tài chính phải phù hợp với lợi ích chính đáng và lâu dài của nhân dân

Tạp chí Tài chính

TCTC Online - Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tài chính (28/08/1945-28/08/2010), Tạp chí Tài chính trân trọng giới thiệu bài viết của ông Hoàng Anh, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính về những quyết sách tài chính linh hoạt trong từng thời điểm khó khăn và những kinh nghiệm trong công tác vận động tài chính dựa vào sức dân của ngành Tài chính từ những ngày đầu thành lập.

“Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”

Sau một thời gian dài nước ta bị thực dân Pháp vơ vét và bóc lột dã man, tiếp đến bị quân phát xít Nhật cướp phá, sức của nhân dân ta đến lúc cạn kiệt. Nạn đói năm 1945 đã giết chết hơn 2 triệu đồng bào ở đồng bằng Bắc bộ. Kho quỹ của chính quyền thực dân và phong kiến còn lại hầu như trống rỗng. Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được một tháng, thực dân Pháp đã được đế quốc Anh giúp đỡ bắt đầu xâm chiếm miền Nam nước ta.

Vận mệnh “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền cách mạng non trẻ, của Tổ quốc chỉ còn dựa vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và dựa vào dân để vượt qua hiểm nghèo. Ngành Tài chính ra đời và làm nhiệm vụ phục vụ chính quyền cách mạng trong bối cảnh đó.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, trong từng thời kỳ cụ thể, ngành Tài chính đã áp dụng những chính sách và biện pháp tài chính khác nhau nhằm phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin của dân vào chính quyền cách mạng, khuyến khích tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và động viên mọi người góp của, góp công vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Sau ngày cách mạng thành công, chính sách tài chính được Chính phủ ban hành đầu tiên là xóa bỏ thuế thân. Để động viên nhân dân đóng góp vào công quỹ của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định tổ chức Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, Quỹ độc lập… được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều người đã không tiếc những đôi hoa tai vàng, những chiếc nhẫn cưới, những đôi vòng, đôi xuyến vốn là những vật kỷ niệm quý giá và thiêng liêng của gia đình hay những bộ “tam sư, ngũ sự” đã bao đời dùng để thờ cúng tổ tiên góp vào công quỹ của Nhà nước. Lòng dân đối với chính quyền cách mạng sâu nặng biết chừng nào.

Đầu năm 1946, Chính phủ quyết định cho phát hành tín phiếu ở khu 5 và sau khi Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập, lại cho phát hành giấy bạc Việt Nam - tờ giấy bạc Cụ Hồ và đồng thời tổ chức thu hồi tờ giấy bạc Đông Dương. Các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn đã hăng hái đếm số tiền Đông Dương sẵn có trong nhà để đổi lấy đồng tiền Việt Nam (một đông bạc Đông Dương đổi được một đồng bạc Cụ Hồ hoặc một đồng tín phiếu). Tuy chất lượng giấy xấu, in không đẹp nhưng mọi người rất hạnh phúc khi cầm tờ giấy bạc của nước mình trong tay.

Việc nhân dân công nhận giá trị của tờ giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo đã giúp nền tài chính có thêm tiền mặt bảo đảm những khoản chi ngày càng lớn của Nhà nước, của công cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Để bảo đảm yêu cầu chi ngày càng lớn của cuộc kháng chiến, năm 1947, Chính phủ đã phát hành công phiếu kháng chiến và đã thu được gần 50% mức dự kiến. Năm 1950, Chính phủ đã phát hành công trái quốc gia và đã thu được gần 30% mức dự kiến.

Bên cạnh những hình thức đóng góp bằng tiền và hiện vật, còn có nhiều hình thức đóng góp khác rất phổ biến lúc bấy giờ như: ăn cơm nhà, làm việc nhà nước; đi dân công phục vụ tiền tuyến… Những hình thức đóng góp nói trên rất to lớn, không thể quy ra bằng tiền song đã làm cho những khoản chi trực tiếp của tài chính giá trị tăng lên gấp bội.

Đi đôi với chính sách động viên nhân dân đóng góp, việc tiết kiệm tiêu dùng, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm chi tiêu đã trở thành một nghĩa vụ được các cấp, các ngành và nhân dân hết sức coi trọng: xe công không dùng vào việc riêng, một bộ máy chính quyền tỉnh không quá 20 đến 30 người, một rẻo đất cũng không bỏ hoang, thậm chí một bì thư phải dùng đi dùng lại 5 đến 7 lần... Dù là những việc nhỏ nhưng trong lúc đất nước còn nghèo, cũng rất quan trọng.

Những chính sách động viên tài chính được áp dụng từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến cuối năm 1951, từ tuần lễ vàng quỹ độc lập đến công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện của nhân dân đã góp phần to lớn trong việc có thêm nguồn tài chính đảm bảo những yêu cầu cấp bách của Nhà nước trong nhiều tình thế khó khăn, bảo đảm yêu cầu to lớn trong những năm đầu kháng chiến cứu nước; xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh; mở những chiến dịch lớn gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề; mở thông biên giới nối liền vùng tự do của ta với nước bạn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa được thành lập. Tinh thần yêu nước và lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ thật thật là vô hạn.

Tuy nhiên, trước sự đòi hỏi ngày càng lớn lao của sự nghiệp kháng chiến lâu dài chồng Đế quốc Pháp, chính sách động viên theo tự nguyện như trước đây có những hạn chế: Có người rất hăng hái đóng góp cho Nhà nước, không tiếc gì với kháng chiến, nhưng lại nghèo không có khả năng hoặc rất ít khả năng đóng góp. Trái lại, cũng có những người có khả năng, thậm chí nhiều khả năng, nhưng tiếc của, không muốn đóng góp hoặc đóng góp nhỏ giọt cho kháng chiến.

Vì vậy, với chính sách động viên theo tự nguyện, kết quả chỉ dừng lại ở một mức nhất định, thu không đủ chi (NSNN năm 1951 chỉ thu được 30% tổng số chi). Nhà nước phải phát hành thêm giấy bạc để chi tiêu. Sức mua của tờ giấy bạc Cụ Hồ giảm xuống nghiêm trọng, giá cả tăng rất nhanh, có ngày tăng 2-3 giá, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống và mọi mặt công tác của Nhà nước. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước ta phải thực hiện chính sách động viên và quản lý tài chính trong thời chiến:

-    Chuyển từ chính sách động viên đóng góp theo tự nguyện sang đóng góp theo khả năng: căn cứ vào nguồn thu nhập của từng người để định mức đóng góp. Người có thu nhập nhiều thì đóng góp nhiều, người có thu nhập ít thì đóng góp ít, còn thu nhập quá thấp thì miễn đóng góp.

-    Việc động viên nhân dân đóng góp cho Nhà nước được tập trung vào hai chính sách lớn là thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp.

-    Nghiêm cấm mọi hình thức quyên góp gây phiền hà cho nhân dân ở các cấp, các ngành; mọi việc chi tiêu phải hết sức tiết kiệm và phải có quản lý, có kiểm tra.

Ngày 15/7/1951, Sắc lệnh 40 của Chủ tịch Nước ban hành điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp gồm 40 mức thuế từ 6% đến 45%. Một nhân khẩu nông nghiệp có thu nhập 61 đến 75 kg thóc/năm chịu thuế 6%, từ 60 kg thóc trở xuống được miễn thuế; người có thu nhập bình quân một nhân khẩu nông nghiệp 1796 kg thóc trở lên chịu thuế 45%. Năm 1952, Sắc lệnh 96 nâng mức khởi điểm tính thuế lên 71 kg và hạ mức tính thuế khởi điểm xuống 5%; năm 1953 mức khởi điểm chịu thuế được nâng lên 81 kg. Những thay đổi này đều nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân nghèo. Nội dung chính của chính sách về cơ bản không thay đổi.

Đầu tháng 8/1951, các địa phương bắt đầu triển khai việc quán triệt chủ trương và chính sách của Đảng, của Nhà nước cho cán bộ đảng viên và chuẩn bị thực hiện điều lệ thuế nông ngiệp trong vụ mùa năm 1951. Từ chỗ đã quen với hình thức động viên theo tự nguyện nay phải chuyển sang động viên theo những mức nhất định và mức thuế khá cao đối mặt với không ít thách thức.

Việc làm cho cán bộ đảng viên nhận thức và thông suốt với chính sách của Đảng, của Nhà nước; nắm vững và vận dụng những biện pháp cụ thể nhằm xác định đúng mức thuế của tùng nông hộ; bảo đảm thu đúng chính sách; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thu và phát huy tác dụng của chính sách khuyến khích tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm… là một việc rất khó khăn.

Đồng thời, việc làm cho các hộ nông dân hiểu được ý nghĩa của chính sách và nghĩa vụ của mỗi người, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế lại càng không đơn giản. Lúc này, không phải chỉ có cán bộ tài chính làm công tác thuế, mà hầu hết cán bộ, đảng viên của Đảng, cán bộ chính quyền, cán bộ mặt trận cũng được huy động làm công tác thuế. Đi đôi với công tác thu thuế nông nghiệp, công tác thuế công thương nghiệp cũng được đẩy mạnh. Đây là nguồn thu tiền mặt rất quan trọng, cho nên đã được các cấp đảng bộ, chính quyền, mặt trận quan tâm tăng cường về tổ chức, cán bộ, tăng cường chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ.

Thực hiện chính sách thuế nông nghiệp và đẩy mạnh công tác thuế công thương nghiệp, Nhà nước nắm được một khối lượng lượng thực khá lớn và vững chắc, tiền mặt thu từ thuế công thương nghiệp cũng tăng lên nhiều so với trước. Tổng số thu của NSNN năm 1952 tăng hơn 3 lần so với năm 1951 (quy ra thóc) và đảm bảo gần 80% tổng số chi của ngân sách; năm 1953, công tác thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp đã có nề nếp hơn, tổng số thu của ngân sách (quy thóc) tăng hơn năm 1952 gần 70%. Sau khi đã thỏa mãn các khoản chi của năm 1953, NSNN còn thừa gần 90.000 tấn thóc để dành, chuẩn bị cho nhu cầu to lớn trong đông xuân 1953 – 1954.

Chính sách tài chính dựa vào dân

Nhờ có nguồn thu lớn và vững chắc về hiện vật, tiền mặt và sức đóng góp to lớn của nhân dân về nhân lực, vật lực, nên từ đầu năm 1952, chúng ta đã liên tiếp mở những chiến dịch lớn, gây cho địch nhiều tổn thất năng nề về người và trang bị kỹ thuật. Cuộc đọ sức một bên là ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, với đôi vai trần và chân đi đất với một bên là xe tăng, máy bay, đại bác và trang bị kỹ thuật hiện đại của đội quân viễn chinh Pháp được đế quốc Mỹ viện trợ gần 80% chiến phí, song chúng ta đã toàn thắng. Nền tài chính Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu hầu như từ số không mà từng bước tiến lên, góp phần phục vụ chính quyền cách mạng và sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Đạt được những thành tích trên là vì chính sách tài chính của chúng ta đã biết dựa vào dân, phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Lòng tin của nhân dân bắt nguồn từ đường lối chủ trương của Đảng phù hợp với nguyên vọng lâu đời của nhân dân. Trong lúc kho quỹ của Nhà nước còn trống rỗng, chính sách tài chính được ban hành trước hết không phải là những thuế suất, thuế biểu mà là xóa bỏ thuế thân và việc động viên nhân dân tự nguyện đóng góp.

Với số tiền động viên được, Chính phủ và Bác Hồ đã tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo để chi vào những việc ích nước lợi nhà, làm cho đồng bào có được niềm tin vững chắc rằng tiền đóng góp của họ vào công quỹ chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho dân, cho nước. Khi sự nghiệp kháng chiến cứu nước đòi hỏi phải động viên sức đóng góp của nhân dân hơn nữa thì chính sách thuế nông nghiệp, công thương nghiệp được ban hành, đồng thời, Nhà nước cũng ban hành các chính sách giảm tô, giảm tức và nghiêm cấm mọi hình thức gây phiền hà cho dân. Vì thế, nhân dân ta đã không tiếc gì với chính quyền cách mạng, hết lòng ủng hộ nền tài chính Nhà nước và chính sách tài chính của Đảng, của Bác Hồ, của Chính phủ.

Nhìn lại chính sách tài chính được thực hiện trong hơn 9 năm, từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập đến nay ngày cuộc kháng chiến cứu nước chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, chúng ta có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm về tư tưởng chính sách tài chính như sau:

Một là, nhân dân ta giàu lòng yêu nước, nhưng tinh thần yêu nước của dân chỉ trở thành sức mạnh khi đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, của Chính phủ phù hợp với lợi ích chính đáng và lâu dài của nhân dân.

Hai là, sức dân hết sức to lớn nhưng không phải vô tận. Chính sách động viên tài chính, động viên nhân lực, vật lực của nhân dân phải đi đôi với những chính sách và biện pháp bồi dưỡng sức dân, giúp dân phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm. Có như vậy, nguồn lực của dân không những không cạn kiệt mà còn tăng trưởng thêm – cơ sở để động viên tài chính Nhà nước ngày càng vững chắc và dồi dào hơn.

Ba là, dù trong tình hình nào, nền tài chính Nhà nước cũng phải được tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo và quản lí có hiệu lực, bảo đảm chấp hành đúng chính sách, hết sức tiết kiệm tiêu dùng và bảo đảm tập trung được nhân tài, vật lực vào những vấn đề then chốt về quốc kế dân sinh.

* Tít bài và tít phụ do Tạp chí Tài chính đặt