Ngành Dự trữ: Chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc CMCN 4.0

PV.

Trong thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo quản an toàn hàng dự trữ; Chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)...

Ngành Dự trữ sẽ thực hiện nghiên cứu để tự động hóa các khâu trong quy trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Nguồn: Internet
Ngành Dự trữ sẽ thực hiện nghiên cứu để tự động hóa các khâu trong quy trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Nguồn: Internet

Ông Phan Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và bảo quản (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, từ đặc điểm riêng, ngành Dự trữ hướng đến tiếp cận, khai thác trên 2 khía cạnh lớn là công nghệ số internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo tự động hóa.

Hiện nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang xây dựng phần mềm về quản lý nghiệp vụ dự trữ quốc gia, trong đó có quản lý chất lượng hàng dự trữ, quản lý kho hàng, quản lý hàng hóa, đảm bảo dòng chảy thông tin thông suốt từ cấp chi cục, đến cấp cục, Tổng cục và ngược lại. Với hệ thống phần mềm hỗ trợ này, số lượng và chất lượng hàng dự trữ quốc gia được kiểm soát từ giai đoạn nhập tại cửa kho, lưu kho và đến khi xuất kho.

Phần mềm cho phép thiết lập phiếu kiểm tra chất lượng nhập kho/xuất kho trên hệ thống và in từ hệ thống, gắn với từng lô hàng cụ thể; Cho phép truy vấn thông tin chất lượng nhập xuất kho; Lập lịch kiểm tra/bảo quản; Theo dõi tình trạng thực hiện bảo quản, nhắc lịch bảo quản, cảnh báo theo trạng thái...

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý mạng lưới kho cho phép quản lý đến từng ngăn kho và xác định được tích lượng kho đến từng điểm kho, vùng kho giúp cho công tác quản lý ngày càng được nâng cao, triển khai các hoạt động xây dựng kế hoạch và cứu trợ được hiệu quả. Bước đầu số hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng dự trữ quốc gia làm cơ sở thống nhất trong điều hành, quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia do nhiều bộ ngành bảo quản trực tiếp. Cùng với đó, ngành Dự trữ sẽ thực hiện nghiên cứu để tự động hóa các khâu trong quy trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Dự trữ tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các cổng giao tiếp trong Ngành, liên thông với Chính phủ và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở, sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ngành sẽ thu thập và xử lý thông tin phục vụ công tác phân tích dự báo, xác định nhu cầu và nhiệm vụ của hoạt động dự trữ quốc gia; Thiết lập môi trường làm việc kết nối trong Ngành theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; Tinh giản và tự động hóa các quy trình hoạt động nội bộ, cung cấp khả năng tra cứu thông tin và xử lý nghiệp vụ, hướng tới giảm thiểu giấy tờ. Với nguồn dữ liệu đầy đủ, thông tin sẽ hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định được chính xác.

Để tiếp cận và tận dụng ứng dụng của CMCN 4.0, trong giai đoạn từ 2018 - 2022, ngành Dự trữ Quốc gia đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong kết nối dữ liệu quốc gia trong các ngành, lĩnh vực, địa phương; Thu nhập, sử lý thông tin phục vụ công tác phân tích dự báo, xác định nhu cầu và nhiệm vụ của hoạt động dự trữ quốc gia;

Trong giai đoạn từ 2018 - 2025, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung ngành Dự trữ quốc gia, trên cơ sở đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ báo cáo thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính trong hoạt động dự trữ quốc gia.