Ngành Hải quan chủ động kiểm soát xuất nhập khẩu, góp phần hạn chế nhập siêu, kiềm chế lạm phát

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính

Việc cụ thể hoá Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đang đặt ra rất khẩn trương đối với các Bộ, ngành; trong đó có hoạt động của ngành Hải quan. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính các biện pháp chống nhập siêu, kiềm chế lạm phát đã và đang được ngành Hải quan chủ động thực hiện

Công cụ tài chính đẩy lùi nhập siêu

 Thời gian qua, ngành đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hạn chế nhập siêu, nhập khẩu các mặt hàng nhà nước không khuyến khích, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan.

 Ngành Hải quan thực hiện có hiệu quả hướng dẫn triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu (ngày 10/6/2010) của Bộ Tài chính. Theo đó, cơ quan hải quan đã không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng tiêu dùng phải nộp thuế ngay về các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và kho ngoại quan. Thực hiện kiểm soát hàng hoá theo Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu của Bộ Công Thương ban hành ngày 16/4/2010. Theo đó, cơ quan hải quan đã áp dụng các biện pháp không cho chuyển cửa khẩu về kho ngoại quan, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; phải làm thủ tục nhập khẩu tại các cửa khẩu, phải nộp thuế ngay và hoàn thành các thủ tục (thủ tục kiểm tra chất lượng và thủ tục hải quan) trước khi thông quan hàng hóa, đồng thời nâng mức độ rủi ro và cấp độ cần ưu tiên kiểm soát đối với các mặt hàng trong Danh mục này.

Để hạn chế nhập siêu, góp phần kiềm chế tăng giá tiêu dùng trong năm 2011, các mặt hàng xe máy, ôtô, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, sắt thép xây dựng, rượu bia và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác tiếp tục bị kiểm soát đặc biệt khi qua cửa khẩu hải quan. (Danh mục quản lý rủi ro về giá được Tổng cục Hải quan ban hành và áp dụng từ năm 2008).

 Theo kế hoạch đề ra, ngành Hải quan theo sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính; căn cứ vào Quyết định 527/QĐ-BTC (ngày 1/3/2011) của Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị nội ngành thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, các cục, vụ, đơn vị trong ngành phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 đã được Quốc hội thông qua. Đối với nhóm giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được Bộ Tài chính đề ra, ngành Hải quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

  Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm, ngành sẽ phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhất là các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu nhập khẩu; chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế nhập siêu.

 Cần có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành

 Ngành Hải quan cũng đã lường trước thực tế, tình trạng nhập siêu vẫn kéo dài vì nước ta trong giai đoạn đang đầu tư phát triển, đầu tư cho sản xuất, việc hạn chế nhập siêu tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn, cần có giải pháp linh hoạt cho từng thời điểm.

 Tuy nhiên, theo phản ánh của các đơn vị hải quan, có một thực tế, hiện nay, một số Bộ, ngành đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện thông quan đối với một số mặt hàng cụ thể những chưa ban hành danh mục kèm theo. Để cơ quan hải quan có cơ sở giải quyết thông quan, các Bộ, ngành cần xây dựng Danh mục các loại hàng hoá cần hạn chế nhập khẩu (có mã số HS) thông qua việc áp dụng một số hàng rào kỹ thuật, như: cấp phép nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu, kiểm dịch động, thực vật....Đối với mặt hàng xe ôtô, UBND các tỉnh, thành phố có khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do căn cứ thẩm quyền theo quy định của pháp luật có quy định cụ thể về việc mua, quản lý và sử dụng xe ôtô phục vụ cho các dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do theo hướng hạn chế và quản lý chặt chẽ số lượng xe ô tô được mua và đăng ký sử dụng.

Nhằm giúp các Bộ, ngành có những quyết sách, điều chỉnh chính sánh xuất nhập khẩu, ngành Hải quan sẽ cập nhật, phân tích tách bạch rõ ràng cơ cấu nhập khẩu số lượng lớn hàng tiêu dùng không thiết yếu, để biết được những mặt hàng nào trực tiếp đi vào sản xuất và những thứ gì chỉ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của cá nhân. Từ đó, cơ quan quản lý có định hướng chính sách rà soát chặt chẽ để có cơ sở cấp vốn vay nhập hàng, cũng như sử dụng các biện pháp khác như cấp giấy phép tự động…nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.../.