Ngành Hải quan: Đầu tư toàn diện cho công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan là chống buôn lậu, chống gian lận thương mạ, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu. Trong những năm qua, bằng những nỗ lực, lòng quyết tâm cao độ ngành đã phát hiện, ngăn chặn thành công nhiều vụ buôn lậu lớn, hàng hóa vi phạm có trị giá cao. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả, thì việc đầu tư trang thiết bị là nhiệm vụ trọng tâm của ngành hướng đến.

Trọng trách ngày càng lớn

Báo cáo tổng kết của ngành trong 5 năm (2005-2010) qua về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cho thấy, ngành Hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống, trang bị nhiều phương tiện hiện, đại phục vụ công các xuất nhập khẩu (XNK), đặc biệt là áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong phòng ngừa và phát hiện gian lận thương mại, song thực tế các vụ việc phát hiện, xử lý ngày càng gia tăng. Trong 5 năm qua, toàn ngành đã phát hiện bắt giữ 71.557 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2347,1 tỷ đồng. 9 tháng của năm 2010, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, phương thức và thủ đoạn ngày càng mang tính chuyên nghiệp, hoạt động có đường dây, tổ chức bài bản. Nổi lên nhiều hiện tượng nổi cộm như nhập lậu súng, vi phạm hàng tạm nhập - tái xuất, nhập xe ô tô van, xe chở tiền, xe tự đổ, buôn bán động vật hoang dã,…Trong 9 tháng qua, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ hơn 10.000 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa ước tính hơn 213,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2009, vụ việc vi phạm tăng 116,7%; trị giá ước tính tăng 201%.

Từ thực tế diễn biến hoạt động XNK cho thấy, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý, vũ khí, chất nổ, hàng xâm hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng... Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ chính trị đòi hỏi cơ quan Hải quan, bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về khả năng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các hàng rào kỹ thuật, thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống khủng bố, chống ma tuý... Đồng thời, phải thực hiện các chuẩn mực quốc tế của hải quan hiện đại, cũng như tăng cường khả năng hợp tác quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau giữa hải quan các nước. Đây là thách thức lớn trong quá trình phát triển của ngành hiện nay.

Cuộc chiến chống buôn lậu đang hết sức nóng ở nhiều tuyến biên giới, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ đầu tư  để tăng cường năng lực chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tổng cục Hải quan cho biết, cùng với việc cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan nên nhiều cá nhân, đơn vị cũng lợi dụng sự thông thoáng để buôn lậu hàng hóa, khai báo sai mã hàng để trốn thuế, ngụy trang tinh vi để nhập lậu hàng cấm như ma túy, ngà voi, sừng tê giác hay rác thải nguy hại... Để tăng cường năng lực cho lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan luôn tập trung đầu tư nguồn lực vào các vấn đề trọng tâm như:  Triển khai sâu rộng hệ thống quản lý rủi ro đối với các hoạt động nghiệp vụ hải quan; Hình thành hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan tập trung, hiện đại, chất lượng cao; Tổ chức thực hiện có chiều sâu công tác nghiệp vụ cơ bản, đấu tranh có trọng điểm đối với buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng cấm, ma tuý, tiền chất, vũ khí, thuốc nổ, các tài liệu có nội dung xấu. Đặc biệt, ngành Hải quan sẽ cơ cấu lại và trang bị mới các phương tiện, thiết bị chuyên dụng như: tầu tuần tra, máy soi container, hệ thống camera giám sát...

Trong thời gian qua, việc đưa vào triển khai máy soi container tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đã chứng minh đây là một hướng đầu tư đúng. Máy soi và các phương tiện hiện đại vừa giúp giảm thời gian kiểm hóa vừa tránh được những rủi ro khi kiểm hóa thủ công. Ngoài ra, tình trạng buôn lậu trên biển, các cửa sông cũng phức tạp, đối tượng buôn lậu cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại, như bộ đàm, ra đa, xuồng tốc độ cao, chịu được sóng lớn, nếu chúng ta không đầu tư mạnh thì sẽ rất khó khăn để ngăn chặn tình trạng này.

Xây dựng lực lượng theo hướng hiện đại-chuyên nghiệp

Hiện nay, ngành Hải quan đang nhắm tới mục tiêu phát triển ngành theo hướng cải cách hành chính, hiện đại hoá các khâu nghiệp vụ; chuyên nghiệp trong trình độ và tác phong của cán bộ, công chức. Tổng cục Hải quan đã và đang chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu trong ngành nắm vững diễn biến tình hình, chủ động phát hiện những xu hướng, hiện tượng buôn lậu trên tất cả các tuyến, địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị chuyên trách chống buôn lậu, cũng như cơ quan hải quan các cấp, các địa phương. Từ đó đề ra các biện pháp phù hợp để đấu tranh thành công thu kết quả. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ cơ bản như điều tra nghiên cứu nắm tình hình, cơ sở bí mật, sưu tra,...để hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ kiểm soát đầy đủ, có độ chính xác cao. Từ đó, các đơn vị kiểm soát hải quan có khả năng cung cấp thông tin phục vụ tốt cho áp dụng quản lý rủi ro đối với thông quan hàng hóa; cũng như chủ động nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, phát hiện đối tượng trọng điểm để xác lập chuyên án đấu tranh.

Đối với việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế trong công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan, ngành Hải quan đang xây dựng chiến lược về thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại biên giới; xây dựng phương pháp và bộ tiêu chí quản lý rủi ro cho kiểm soát về sở hữu trí tuệ...; tăng cường hợp tác, ký kết thoả thuận hợp tác, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Từ tháng 6/2010, ngành đã thành lập đơn vị chuyên trách ở cấp Tổng cục là Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; tiến tới, lực lượng chuyên trách ở cấp cơ sở sẽ từng bước được kiện toàn. Đồng thời với việc tạo điều kiện phát triển chất lượng cán bộ hải quan, ngành sẽ tiếp tục chú trọng tạo môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật quản lý hiện đại cho các bộ phận chuyên trách, nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan và thực hiện nhiệm vụ hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và hài hòa với thông lệ, luật pháp quốc tế về hải quan./.