Ngành Hải quan: Tăng tốc mở rộng thủ tục hải quan điện tử

Thu An

TCTC - Tiếp tục mở rộng triển khai thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) trong ngành Hải quan, theo kế hoạch triển khai năm 2009, dự kiến từ tháng 7/2009 ngành Hải quan sẽ thực hiện thông quan bằng TTHQĐT tại Cục Hải quan Đồng Nai, Bình Dương và vào tháng 9/2009 thực hiện tại Cục Hải quan Hà Nội, Lạng Sơn, Đà Nẵng.

Như vậy là chỉ trong một thời gian ngắn từ khi Bộ Tài chính có Quyết định số 52/2007/QĐ-BTC ngày 22/6/2007 về triển khai thực hiện TTHQĐT, ngành Hải quan đã khẩn trương triển khai công việc, quyết tâm và nỗ lực cao độ đẩy nhanh tiến độ, tất cả vì mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập hải quan quốc tế.

Thực hiện Quyết định số 52/2007/QĐ-BTC về triển khai thực hiện TTHQĐT, thời gian quan Ngành Hải quan đã chủ động triển khai ở nhiều đơn vị. Qua thời gian thí điểm thông quan điện tử, mới đây Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị đánh giá và bàn phương án mở rộng triển khai mô hình này, từ đó đi đến thống nhất về mô hình, định hướng triển khai TTHQĐT.  Đánh giá chung cho thấy, Quyết định 52 có ưu điểm là nội luật hóa được các chuẩn mực quốc tế về Hải quan, tạo cơ sở thực hiện thí điểm TTHQĐT trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trước yêu cầu cải cách thủ tục, hiện đại hóa và hội nhập, đòi hỏi ngành Hải quan cần thống nhất về tổ chức và nhân rộng TTHQĐT, đồng thời bên cạnh đó, do việc triển khai TTHQĐT chỉ mới dừng lại ở mức thí điểm nên đã hạn chế những ưu điểm của phương pháp này.

Bà Lê Như Quỳnh, Phó trưởng ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan cho biết: Cùng với việc mở rộng triển khai TTHQĐT liên quan, Quyết định 52 đã thể hiện nhiều điểm không còn phù hợp. Cụ thể như, Quyết định quy định kết hợp về quy trình thủ tục hải quan (TTHQ) với quy định về bộ máy tổ chức thực hiện độc lập là Chi cục Hải quan điện tử. Bên cạnh đó, Quyết định 52 cũng chưa quy định cụ thể về chuyển đổi thực hiện từ TTHQ truyền thống sang TTHQĐT liên quan đối với những loại hình cần có sự theo dõi liên tục, hoặc chuyển từ đơn vị hải quan này sang đơn vị hải quan khác. Quyết định này cũng mới chỉ quy định một số loại hình TTHQ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh...

Theo các chuyên gia, từ những hạn chế trên, cần thiết Tổng cục Hải quan nên tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế cho Quyết định 52.  Về phía Tổng cục Hải quan, từ thực tế triển khai, Ban Cải cách hiện đại hóa Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính cần phải có một Thông tư mới thay thế cho Quyết định 52. Dự kiến, nội dung của Thông tư mới vẫn dựa trên nền tảng Quyết định 52, đồng thời sửa đổi những quy định cứng về tổ chức bộ máy, tạo điều kiện cho các Cục Hải quan địa phương áp dụng linh hoạt để thực hiện quy trình TTHQĐT theo định hướng mở rộng. Thông tư này cũng sẽ bổ sung thêm một số loại hình TTHQ được thực hiện bằng phương thức điện tử (hàng hóa theo hình thức chuyển khẩu, hàng hóa ra vào kho ngoại quan) và bổ sung quy định cần thiết để thực hiện giao dịch điện tử khi tiến hành TTHQ.

Một số điểm quan trọng cũng sẽ được đưa vào Thông tư mới là: quy định để hài hòa giữa TTHQ truyền thống và TTHQĐT liên quan đến khái niệm, định nghĩa, nguyên tắc trình tự thực hiện thủ tục thông quan và thiết lập lộ trình cho việc triển khai thực hiện; quy định về giải quyết thủ tục khi hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan hải quan hoặc doanh nghiệp có sự cố về đường truyền hoặc toàn bộ hệ thống; quy định về tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đơn giản hóa thủ tục thông quan như: xác nhận thông quan, thanh khoản đối với các loại hình gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, chế xuất…; quy định về chuyển đổi doanh nghiệp từ TTHQ truyền thống sang điện tử đối với những loại hình cần có sự theo dõi liên tục, chuyển từ chi cục hải quan này sang chi cục hải quan khác.

Được biết, đề xuất này của Tổng cục Hải quan đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhất trí, giao Tổng cục Hải quan rà soát quyết định 52 và các văn bản pháp lý liên quan để nhanh chóng xây dựng Thông tư mới. Theo kế hoạch triển khai mở rộng TTHQĐT năm 2009 (ban hành kèm theo Quyết định 710/QĐ-TCHQ ngày 3/4/2009 của Tổng cục Hải quan) nhóm việc này dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2009. Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng kết luận thống nhất với mô hình chức năng ba khối mà Tổng cục Hải quan đưa ra. Theo đó, khối 1 là hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan. Khối 1 có nhiệm vụ: tiếp nhận thông tin khai báo từ doanh nghiệp; tiếp nhận, trao đổi thông tin với các hệ thống khác như ngân hàng và kho bạc; tự động kiểm tra thông tin khai báo của doanh nghiệp; phân luồng trên cơ sở thông tin về quản lý rủi ro; phản hồi thông tin cho người khai thông qua việc gửi thông điệp phản hồi; lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin. Khối 2 là khối kiểm tra hồ sơ, bao gồm cả kiểm tra sơ bộ và kiểm tra chi tiết hồ sơ điện tử và hồ sơ giấy. Khối 3 là khối kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát.

Theo nhận định của Ban Cải cách hiện đại hóa, đây là mô hình chức năng, không phải mô hình tổ chức. Mô hình này nhằm vạch ra chức năng nghiệp vụ của các khối trong một quy trình thông quan thống nhất trong toàn ngành. Còn việc tổ chức thực hiện như thế nào là tùy thuộc vào tình hình và điều kiện thực tế của từng Cục Hải quan, miễn là đảm bảo các khối chức năng đều được thực hiện thống nhất.

Với những công việc khẩn trương và đồng bộ đang được Tổng cục hải quan tiến hành, cộng đồng doanh nghiệp có quyền tin tưởng và hy vọng vào những đổi mới trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan, tiếp thêm động lực cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính thế giới, tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.