Ngành Tài chính nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 2012

Hồng Liên

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012 gặp nhiều khó khăn, ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm, ngành Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp tăng thu, thu hồi nợ đọng, chống thất thu nhằm đảm bảo hoàn thành đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Ngành Tài chính nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 2012

Điều chỉnh chính sách thu và tháo gỡ khó khăn cho DN

 Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2012, trong đó yêu cầu triển khai một loạt các nhiệm vụ, giải pháp về thu NSNN. Nhận định về tình hình thu ngân sách, ông Võ Thành Hưng, Phó Vụ trưởng - Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, nhiệm thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2012 đang rất nặng nề. Thực hiện thu NSNN 8 tháng đầu năm chỉ đạt 60,4% dự toán, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2011 (là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây). Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm, thị trường bất động sản trầm lắng. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế nhằm hỗ trợ cho các DN, tổ chức kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng làm giảm thu ngân sách.

 Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2012, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ngay từ đầu năm. Ngành đã tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh chính sách thu phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tế, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu. Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% để tháo gỡ khó khăn cho ngành than tiếp tục hoạt động xuất xuất, từ đó có đóng góp cho ngân sách. Ngoài ra, đã tăng cường công tác quản lý thu ngân sách. Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế năm 2012; đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2012, trong đó có các giải pháp về thu NSNN. Ngành Thuế, Hải quan đã tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác thu; lập các đội công tác xuống trực tiếp hỗ trợ các địa phương rà soát, nắm chắc nguồn thu và đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn; phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế và phối hợp giữa các quan chức năng trong việc chống thất thu, xử lý nợ đọng. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ đánh giá thu phấn đấu hoàn thành về mặt tổng thể đạt dự toán.

 Đáp ứng kịp thời chi theo dự toán

 Cùng với nỗ lực hoàn thành mục tiêu thu NSNN, ngành Tài chính đã luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán. Trong điều kiện cân đối NSNN khó khăn Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chi NSNN theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả ngay từ khi xây dựng dự toán NSNN.

 Trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo hệ thống KBNN và cấp dưới tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN, thực hiện tốt các giải pháp điều hành chi NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 13/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 1792/CT-TTg và số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên trong phạm vi dự toán được giao; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn (trừ trường hợp thật sự cần thiết và cấp bách và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt); tiết giảm tối đa chi thường xuyên, đặc biệt là chi phí lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước...; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc đầu tư công để khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ đã bố trí trong kế hoạch năm 2012.

 Phó vụ trưởng Vụ NSNN Võ Thành Hưng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính chủ trương tiếp tục tăng cường công tác quản lý chi NSNN, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng NSNN. Trong đó tập trung một số công việc trọng tâm như: Rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi ngân sách cho phù hợp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước.

 Ngoài ra, sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tài chính; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch hoạt động tài chính – NSNN để tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng.

 Bên cạnh đó, cùng với việc kiểm soát chi, nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính cũng như các Bộ, ngành, địa phương đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn TPCP, vốn ODA… Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo tác động tích cực đến nền kinh tế những tháng cuối năm và tạo sự chuyển biến cho năm 2013. Nhận thức được yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nhằm tạo cú hích cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thanh toán tạm ứng vốn trong quý III/2012 tối đa 50% giá trị hợp đồng và không vượt quá kế hoạch vốn năm của dự án; kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vướng mắc trong thực hiện phân bổ và thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2012; tổ chức các hội nghị, tọa đàm với các Bộ, ngành, địa phương để có biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân; thực hiện công khai về số giải ngân hàng tháng vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ của các Bộ, ngành, địa phương....

 Đại diện lãnh đạo Vụ NSNN khẳng định, với các giải pháp đã được triển khai, tình hình giải ngân vốn đầu tư từ tháng 7 đã có chuyển biến tích cực hơn. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nhằm tạo tác động tích cực đến nền kinh tế, đồng thời như hạn chế chuyển nguồn sang năm 2013, ông Võ Thành Hưng đề nghị cần có sự phối hợp, cộng tác và chủ động tích cực của các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư từ nay đến cuối năm.