Ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020


Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức sáng ngày 02/7. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức sáng ngày 02/7. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thu ngân sách chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt 44,22% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019, nếu tính cả thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thất nhất kể từ năm 2013 và suy giảm so với cùng kỳ ở cả 3 lĩnh vực kinh tế:  thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,8% dự toán, giảm 6,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán, giảm 16,1%.

Trong số 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% dự toán (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu). 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán là TP.HCM đạt 39,3%, Đà Nẵng đạt 37,7%, Quảng Ngãi 38,5%, Quảng Nam 31,2%, Khánh Hòa 35,4%, Hải Phòng 38,5%...

Kịp thời chi hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh

Chi NSNN 6 tháng đầu năm cơ bản theo tiến độ dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng phát sinh về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Luỹ kế 6 tháng, chi NSNN đạt 41,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, giảm 0,9%; chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, với tinh thần quyết tâm cao nhất, ngành Tài chính sẽ phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2020.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch, chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...); xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020

Cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, song Bộ trưởng khẳng định, với tinh thần quyết tâm cao nhất, ngành Tài chính sẽ phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2020.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế phí để trình các cấp có thẩm quyền, tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, tập trung xử lý kịp thời hồ sơ giãn thuế và tiền thuê đất theo quy định, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Các bộ, ngành và địa phương điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); tập trung thực hiện rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết; trong đó cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Bộ trưởng đề nghị, các địa phương chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chính sách trên địa bàn.

Trường hợp dự kiến giảm thu ngân sách địa phương so dự toán được cấp có thẩm quyền giao, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành, sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội.

Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà cân đối NSNN còn khó khăn, Bộ Tài chính sẽ tập hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương trung chỉ đạo triển khai theo kế hoạch, mở rộng các phương thức bán cổ phần vốn góp, kể cả bán toàn bộ doanh nghiệp, phấn đấu đảm bảo số thu từ cổ phần, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dự toán năm nay của ngân sách trung ương là 45.000 tỷ đồng.

Về xây dựng dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch trung hạn 3 năm 2021-2023, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều vấn đề phát sinh cần báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm 2021-2023 có muộn hơn so với quy định. Sau khi có các văn bản hướng dẫn, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương chỉ đạo triển khai xây dựng, đảm bảo bám sát thực tế, thể hiện tính tích cực, ý chí quyết tâm phấn đấu cao.