Ngành Tài chính tích cực phát triển Chính phủ điện tử
Sáng ngày 12/9/2019, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Ứng dụng sâu, rộng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ tài chính
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống tin học và thống kê ngành Tài chính.
Đến nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành "mạch máu" không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu Chính phủ; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; dự trữ nhà nước... cùng các nhiệm vụ quản lý nội Ngành.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, phát triển công nghệ thông tin được xác định là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khóa mở ra cánh cửa để Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Trên tinh thần đó, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020.
Triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, ngày 21/5/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 844/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.
Đó là sự kiện quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, phát triển Tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số.
Để đảm bảo triển khai thành công ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính theo định hướng của Đảng và Chính phủ và theo Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Thứ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị trong ngành Tài chính cần coi việc phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp hiện đại hoá.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ của đơn vị nghiệp vụ. Nếu nghiệp vụ không đưa ra yêu cầu thì công nghệ thông tin không thể đáp ứng được. Muốn đưa ra yêu cầu thì phải hiểu chuyển đổi số, cách mạng công nghệ 4.0 là gì và công nghệ thông tin có thể đáp ứng được gì cho nghiệp vụ.
Quan trọng nhất, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy, "đó là thay đổi về nhận thức và sự hiểu biết về Chính phủ điện tử, Chính phủ số và cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0. Chúng ta cần quán triệt và nhận thức đầy đủ, từ đó mới có thể làm thay đổi được." - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Xác định các mục tiêu cụ thể
Chia sẻ thêm về Quyết định số 844/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết, Quyết định số 844/QĐ-BTC đề ra nhiều tiêu chí cụ thể về dịch vụ công.
Theo đó, giai đoạn 2019 – 2020, hoàn thiện khung pháp lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Bộ Tài chính; ban hành các văn bản quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành Tài chính, các quy định, quy chế về quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính.
Mục tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính.
Đến năm 2020, ngành Tài chính phấn đấu tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp...
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính sẽ tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng...
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Thế Trung - Thành viên Tổ công tác giúp việc Chủ tích Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trình bày các định hướng triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; đại diện lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính giới thiệu về Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính và Kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính địa phương chia sẻ về việc triển khai Chính phủ điện tử trong từng lĩnh vực…
08 nội dung trọng tâm
Xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ bó hẹp trong phạm vi một hệ thống, một ngành và phải đồng bộ, phục vụ những nhiệm vụ chung của Chính phủ, các Bộ ngành khác, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện 08 nội dung trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo, cụ thể:
Một là, tập trung triển khai các nhiệm vụ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện tại Nghị quyết số 17/NQ-CP: Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính trong năm 2022, tiếp tục phát triển, hoàn thiện đến năm 2025; Hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng của ngành tài chính về thuế, hải quan, kho bạc, hoàn thành trong năm 2019; Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số trong giai đoạn 2019 - 2020; thực hiện xây dựng và triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.
Hai là, triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ba là, xây dựng các hệ thống ứng dụng cốt lõi và hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của các cấp trong ngành Tài chính.
Bốn là, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ ngành Tài chính, ưu tiên các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất hiệu quả công việc.
Năm là, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành theo các công nghệ hiện đại (điện toán đám mây ngành Tài chính) phù hợp với yêu cầu triển khai trong từng giai đoạn.
Sáu là, đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động của các hệ thống thông tin ngành Tài chính trên các phương diện: thể chế, phương án kỹ thuật và quản lý vận hành.
Bảy là, đảm bảo điều kiện, năng lực (về hạ tầng kỹ thuật công nghệ, về nhân sự triển khai) đồng bộ, thống nhất tại các cơ quan trung ương và các cơ quan tài chính địa phương đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ tài chính.
Tám là, đổi mới công tác quản lý đầu tư, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa Ngành.
"Phát huy kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính trong giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu đã đề ra." - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) cho rằng, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã chỉ đạo, quán triệt cụ thể quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số giúp làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp trong ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai Chính phủ điện tử.
Khẳng định Bộ Tài chính là Bộ tiên phong trong triển khai nghiêm túc, bài bản các chủ trương mới của Chính phủ, luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra về triển khai Chính phủ điện tử, ông Phúc cho biết, Bộ Thông tin và truyền thông cam kết sẽ đồng hành cùng Bộ Tài chính trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 của Bộ.