Ngành Tài chính tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2010

P.V

TCTC Online - Sáng 5/7/2010, cơ quan Bộ Tài chính tổ chức tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và bàn biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2010 ngành Tài chính đã tập trung nỗ lực triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách và đạt tiến độ khá so với cùng kỳ các năm. Trong đó, đáng chú ý là thu NSNN 6 tháng ước đạt 52,5% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2009, đạt khá so với một số năm gần đây cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng. Công tác quản lý, điều hành giá được triển khai thực hiện đồng bộ và mang lại những kết quả khả quan, chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm biến chuyển theo xu hướng tích cực.

 Kết quả cụ thể như sau:

1- Tình hình triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2010 đạt tiến độ khá so với cùng kỳ các năm, kết quả cụ thể:

1.1. Về thu ngân sách nhà nước: 
Lũy kế thu 6 tháng ước đạt 242.430 tỷ đồng, đạt 52,5% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2009; đạt khá so với một số năm gần đây cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng. Trong đó: thu nội địa ước đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2009 đạt 49,2%, năm 2008 đạt 56,7% và năm 2007 đạt 46,1% dự toán), tăng 21,0%; thu từ dầu thô ước đạt 45,9% dự toán, tăng 9,9% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58,6% dự toán, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2009.

1.2. Về chi ngân sách nhà nước:  Luỹ kế chi 6 tháng đầu năm ước đạt 273.080 tỷ đồng, bằng 46,9% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 62.665 tỷ đồng, bằng 49,9% dự toán, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2009; Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước đạt 175.225 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2009; đảm bảo chi kịp thời, đầy đủ các khoản chi theo tiến độ thực hiện và dự toán được duyệt...

2-  Việc thực hiện các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát.

Đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 31/12/2009 về việc bình ổn giá trong dịp Tết Canh Dần năm 2010, giao các Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá tại địa phương, tăng cường thanh tra kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá…

Bên cạnh giải pháp trên, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã mở rộng mạng lưới, tăng thêm điểm bán hàng chú trọng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; chủ động thực hiện các biện pháp xúc tiến thị trường nội địa, bán hàng khuyến mãi giảm giá nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... Để triển khai thực hiện nhóm giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát đã được đề ra trong Nghị quyết số 18/NQ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 2788/BTC-QLG ngày 8/3/2010, Công văn số 4629/BTC-QLG ngày 14/4/2010 và công văn số 4865/BTC-QLG ngày 19/4/2010 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý giá cả, tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm về giá trên địa bàn. Đến nay, đã có trên 20 tỉnh, thành phố đã triển khai và có báo cáo về các giải pháp, tiến độ thực hiện kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính.

Đã trình Thủ tướng Chính phủ giữ ổn định giá than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước đến hết tháng 6, than bán cho điện giữa ổn định đến hết  năm 2010. Tiếp tục thực hiện kiểm tra kiểm soát hồ sơ đăng ký giá, nhất là các mặt hàng xăng dầu, than, xi măng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, đường, sữa, thuốc..., theo quy định.

Đối với giá xăng dầu, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương bám sát tình hình biến động giá trên thị trường quốc tế, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuể, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng. Theo đó, khi giá dầu trên thị trường quốc tế giảm, liên tục trong tháng 5, tháng 6/2010 đã điều chỉnh giảm giá bán xăng với tổng mức giảm 1.000 đồng/lít.

3 - Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá cũng được tăng cường, trong tháng 3 và tháng 4, đã tiến hành kiểm tra tại nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh: Thép xây dựng, phân bón hóa học, khí hóa lỏng, đường ăn, xi măng, thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra đợt 1 (Thép xây dựng, phân bón hóa học, khí hóa lỏng, đường ăn), đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều địa phương đã  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế và pháp luật về giá trên địa bàn, đồng thời thực hiện kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch…; kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý, điều hành giá đã mang lại những kết quả tích cực, tính chung trong 5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,55% so với tháng 12/2009, nhưng đã biến chuyển theo xu hướng tích cực.

4- Việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán.

Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các công cụ thuế, phí, lệ phí... đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, trước hết là đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được hoặc không khuyến khích nhập khẩu để hạn chế nhập siêu. Trong đó, đã điều chỉnh tăng thuế đối với 172 dòng của một số mặt hàng là nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng... Điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu và một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được như vật tư dùng để sản xuất mặt hàng điện tử, điện lạnh, tinh quặng titan chế biến sâu... Sửa đổi quy định về phân loại hàng hóa để tính thuế xuất nhập khẩu theo hướng bỏ quy định phân loại theo máy chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được. Giảm thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhằm thúc đẩy xuất khẩu như gỗ, than cốc được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, không thu thuế tuyệt đối đối với gạo xuất khẩu, quặng Barit…

5 - Ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan và thời gian thông quan, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục hải quan điện tử đối với các mặt hàng xuất khẩu, trong đó ưu tiên cho các loại hình: gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế, miễn thuế đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, rút ngắn thời gian hoàn thuế; thanh khoản dứt điểm các hợp đồng gia công, tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu tồn đọng, quá thời hạn quy định. Thường xuyên theo dõi, thống kê các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, phân bón, sắt thép,... nhập khẩu có biến động lớn về kim ngạch, tổ chức phân tích, đánh giá tình hình nhập khẩu để có cơ chế kiểm soát, quản lý kịp thời.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, xây dựng phương án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các tuyến biên giới đường biển, đường bộ, đường hàng không; trong công tác kiểm tra sau thông quan, chống gian lận thương mại có tổ chức nghiên cứu xây dựng danh mục hàng hóa cần tăng cường kiểm tra thực tế, kiểm tra sau thông quan, chống gian lận thương mại về giá, thuế suất, chính sách mặt hàng theo các tiêu chí như: tên hàng, mã số, xuất xứ,...

  Qua kiểm tra đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, gian lận thương mại. Tính đến ngày 15/05/2010, toàn ngành Hải quan đã bắt giữ được 4.520 vụ vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính hơn 98 tỷ đồng. Ngoài việc thu ngân sách một số tang vật điển hình đã bị lực lượng kiểm soát hải quan thu giữ gồm: 286.045 USD vận chuyển trái phép qua biên giới; 1.800kg vẩy tê tê; 3.859,2 kg ngà voi; 22.400 quả trứng gia cầm, 210 kg gia cầm; 28 kg pháo các loại; 5.938 kg đường; 15.255 kg lá thuốc lá; 34.960 bao thuốc lá ngoại; 5.041 chai rượu ngoại; 9 kg vàng; 6,829 kg heroin; 102,8 kg thuốc phiện; 4.695 viên ma tuý tổng hợp...

Các giải pháp kiềm chế nhập siêu:

- Tiếp tục triển khai công văn số 17433/BTC-TCHQ ngày 11/12/2009 về tăng cường kiểm soát nhập khẩu; Thường xuyên cập nhật, ban hành Danh mục quản lý rủi ro về giá làm cơ sở tập trung kiểm tra có trọng điểm việc khai báo trị giá tính thuế đối với những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, thuế suất cao, giá trị lớn, đảm bảo việc kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá tính thuế đạt hiệu quả, kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận trong khai báo qua giá tính thuế.

- Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan các mặt hàng trọng điểm, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, gian lận thương mại, như: xe ôtô 05 chỗ ngồi Hyundai Santafe khai báo là xe chở tiền, xe ôtô chở người Kia morning khai báo là xe tải VAN,...

- Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thường xuyên theo dõi, thống kê các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, phân bón, sắt thép,... nhập khẩu có biến động lớn về kim ngạch, tổ chức phân tích, đánh giá tình hình nhập khẩu, phối hợp các Bộ, ngành liên quan để có cơ chế kiểm soát, quản lý kịp thời.

Tiếp tục triển khai đồng bộ và nâng cao và mở rộng mức độ tự động hóa ứng dụng CNTT trong nghiệp vụ hải quan; Tăng cường trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan, như đưa vào sử dụng hệ thống máy soi container tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh... góp phần tích cực vào kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách và hiện đại hóa ngành Hải quan.

6- Việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội:

Công tác điều hành chính sách tài chính, ngân sách Nhà nước được chỉ đạo quyết liệt, theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Trong đó, chú trọng ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và các chính sách an sinh xã hội.

Công tác thẩm tra phân bổ vốn đầu tư năm 2010 cả đối với vốn XDCB tập trung và vốn trái phiếu Chính phủ đã được thực hiện, hết quý I/2010 các đơn vị Trung ương và địa phương đã hoàn thành và gửi báo cáo phần bổ kế hoạch 2010 (cá biệt chỉ còn một số địa phương chưa gửi). Công tác thẩm tra nhận xét phân bổ cũng cơ bản hoàn thành, các ý kiến thẩm tra đã nhanh chóng được các Bộ, địa phương tiếp thu hoàn chỉnh kế hoạch phân bổ, tạo điều kiện cho công tác giải ngân của các dự án. Bên cạnh đó đã đôn đốc các đơn vị nhanh chóng hoàn thành kế hoạch năm 2009.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2010, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để hỗ trợ 11.047 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương (ngoài phần kinh phí đã giao trong dự toán ngân sách địa phương năm 2010) cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ như: Hỗ trợ kinh phí miễn thu thủy lợi phí; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo…

Các giải pháp trên đã góp phần tăng cường nguồn lực cho đầu tư, thúc đẩy phát triển của nền kinh tế theo hướng ổn định và bền vững, đồng thời bảo đảm cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

7 - Trong 6 tháng đầu năm đã triển khai đấu thầu mua 212.000 tấn gạo và 100.000 tấn thóc dự trữ, đến nay đã nhập kho hơn 140.000 tấn gạo và ký hợp đồng mua một số vật tư, thiết bị dự trữ Nhà nước cần thiết khác.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã xuất cứu trợ hơn 40.000 tấn gạo dự trữ nhà nước, triển khai xuất bán vật tư dự trữ đạt hơn 30 tỷ đồng. Việc xuất cấp gạo dự trữ nhà nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ dân bị thiếu đói, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của Chính phủ.

8 - Công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành Tài chính.

Tiếp tục thực hiện Đề án 30, Bộ Tài chính đã rà soát xong và đã kiến nghị đơn giản hoá 106 TTHC thuộc giai đoạn rà soát ưu tiên (trong đó 40 TTHC thuộc lĩnh vực Hải quan, 40 TTHC thuộc lĩnh vực thuế, 26 TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc); kiến nghị thay thế, bãi bỏ 8 TTHC (trong đó 2 TTHC thuộc lĩnh vực Hải quan, 2 TTHC thuộc lĩnh vực thuế, 4 TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc); và giữ nguyên 31 TTHC (trong đó 2 TTHC thuộc lĩnh vực Hải quan, 29 TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc).

Các thủ tục hành chính còn lại trong bộ 840 thủ tục đã công bố đã được  rà soát toàn bộ tính đến 31/3/2010. Theo đó, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 480 TTHC, kiến nghị thay thế, huỷ bỏ 30, và kiến nghị sửa đổi 14 thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác. Trong số đó, thuế là 256/330 thủ tục, Hải quan là 179/239 thủ tục. Qua tính toán sơ bộ, nếu thực hiện các phương án đơn giản hoá thì dự kiến thì cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tương đương với 31% chi phí hiện tại.

Đã hoàn thành giai đoạn I dự án Hiện đại hoá thu NSNN; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách- kho bạc (TABMIS),  đã triển khai dự án Hiện đại hoá thu NSNN (giai đoạn quá độ) tại các tỉnh, thành phố sẽ triển khai TABMIS trong năm 2010 theo hướng xây dựng dữ liệu tập trung trên mô hình WEB để tập trung số liệu, tiết kiệm thời gian triển khai, mở rộng phạm vi triển khai đến tất cả các quận, huyện còn lại. Đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cùng với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan ký kết các thoả thuận hợp tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (BIDV, Vietinbank, Argibank) tại 102 quận, huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố (trong tổng số trên 300 quận, huyện đã triển khai dự án Hiện đại hoá thu NSNN).

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin trong kê khai, quyết toán thuế, tăng cường hải quan điện tử, trang bị máy móc thiết bị nhằm hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát hải quan như máy soi container di động, cố định, hệ thống camera giám sát, máy soi hành lý, cân ô tô…