Nghị quyết nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019

BD

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Nghị quyết 02).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghị quyết 02 sẽ tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nâng cao thứ hạng của Việt Nam

Mục tiêu của Nghị quyết 02 là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Liên Hợp quốc (UN) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh…nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc CMCN 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chí phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) lên 15-20 bậc, trong năm 2019 tăng 5-7 bậc; Nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh - GCI (của WEF) tăng 5-10 bậc, trong năm 2019 tăng từ 3-5 bậc; Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo – GII (của WIPO) lên 5-7 bậc, trong năm 2019 tăng từ 2-3 bậc; Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5-10 bậc; Nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10-15 bậc, trong năm 2019 tăng 7-10 bậc; Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10-15 bậc năm 2020.

Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu nâng xếp hạng một số chỉ số cụ thể nhằm cải thiện xếp hạng các chỉ tiêu nêu trên. Trong đó, nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (A2) lên 30-40 bậc, năm 2019 từ 7-10 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch Thương mại qua biên giới (A8) lên 10-15 bậc, năm 2019 từ 3-5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Vốn hoá thị trường chứng khoán (B7) lên từ 10-15 bậc, năm 2019 ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5) lên từ 20-25 bậc, năm 2019 ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1) lên từ 5-10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng và năng lực các dịch vụ logistics (D1) lên 3-5 bậc, năm 2019 từ 1-2 bậc.

Quyền chủ động và cơ hội của các bộ, ngành

Tại Nghị quyết 02, Chính phủ giao trách nhiệm làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số cho một số bộ liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính được giao là đầu mối theo dõi việc cải thiện bộ chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới(A8), Chỉ số Vốn hoá thị trường chứng khoán (B7) và cấu phần Nộp thuế trong chỉ số A2 (chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội).

Chính phủ cũng giao một loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ để thực hiện các nhiệm vụ tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2019, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; Chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hoá tại thị trường nội địa; Minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; Áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Trong quý I/2019, hoàn thành rà soát, bãi bỏ, chấm dứt việc hoàn thành quy định thủ tục hành chính trong công văn hướng dẫn. Trước 6/2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện công việc công khai đầy đủ danh mục này lên trang thông tin điện tử của Bộ quản lý chuyên ngành.

Thống nhất đầu mối thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018.

Bộ Tài chính được giao chủ trì theo dõi tình hình và đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; định kỳ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.

Về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng trước quý III/2019. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản. Trước quý III/2019, Bộ Tài chính thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp khởi nghiệp

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ sửa đổi và ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh phải coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về việc thực hiện nhiệm vụ này. Các cơ quan phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 15/12, tổng hợp các báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện trong quý, cả năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2018, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật như xếp hạng môi trường kinh doanh được cải thiện 13 bậc so với năm 2016, chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hoá. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh. Hơn 50% doanh nghiệp đánh giá môi trường môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế. Đối với khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa thể vào nhóm 4 nước dẫn đầu. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan trực thuộc phải coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, nỗ lực hơn để đạt mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới và vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN.