Nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách hiệu quả
Nhằm chống thất thu ngân sách hiệu quả, cơ quan thuế và hải quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá; Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời vào ngân sách nhà nước và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Ngay từ đầu năm, cơ quan thuế và hải quan đã tích cực triển khai các hoạt động chống thất thu ngân sách nhà nước qua công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, rà soát các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá, các hồ sơ hoàn thuế lớn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phấn đấu thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp đạt tối thiểu tỷ lệ 19% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2019 được Tổng cục Thuế giao cụ thể cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố; Cơ quan thuế các cấp thực hiện giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, bộ phận, đoàn, đội và kiểm soát công việc của từng phòng, bộ phận thông qua kết quả hàng tháng, quý để làm cơ sở xét thi đua; Sắp xếp, bổ sung nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Tính đến hết tháng 6/2019, cơ quan thuế ước đã thực hiện được 35.344 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 40,56% kế hoạch năm 2019, bằng 101,69% so với cùng kỳ năm 2018, kiểm tra được 185.842 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế. Tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra kiểm tra đạt 20.545,72 tỷ đồng, bằng 118,01% so với cùng kỳ 2018; thu nộp vào ngân sách là 3.299,75 tỷ đồng đạt 57,97% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 109,49% so với cùng kỳ năm 2018.
Đấu tranh với tội phạm về thuế, ngành Thuế đã tăng cường phối hợp với các Cơ quan chính quyền cùng cấp như: Cơ quan Công an, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan ban ngành khác triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, chuyển giá, gian lận thuế. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế như OECD, WB, IMF… tổ chức các khoá đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển giá cho các cán bộ.
Cùng với cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước hiệu quả. Nổi bật là công tác chống thất thu về giá, tăng cường kiểm soát giá nhập khẩu đã được quy định tại cơ sở dữ liệu giá, tăng cường kiểm tra giá mặt hàng xuất khẩu; Phân loại hàng hóa xác định mức thuế; Tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa, kiểm tra sau thông quan, đôn đốc thu hồi nợ thuế...
6 tháng đầu năm 2019, cơ quan hải quan đã tiến hành 96 cuộc thanh tra, kiểm tra, yêu cầu truy thu và xử phạt 88,6 tỷ đồng, đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước 21,8 tỷ đồng. Bên cạnh công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Kiểm tra sau thông quan và các Cục Hải quan địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra sau thông quan tại các cửa khẩu. Lũy kế 6 tháng đầu năm, cơ quan hải quan đã thực hiện 1.455 cuộc kiểm tra sau thông qua, trong đó 631 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 824 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định và xử phạt vi phạm hành chính là 775 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 877,7 tỷ đồng...
Đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc, thu hồi kịp thời vào ngân sách nhà nước và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2019 đến từng Cục Thuế. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các Cục Thuế giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết đến từng phòng quản lý, từng Chi cục Thuế, từng công chức thuế theo từng tháng, mục tiêu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% số thu ngân sách nhà nước năm 2019, thu tối thiểu 80% số tiền nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2018 chuyển sang.
Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản thi hành, thu đúng, thu đủ và kịp thời nguồn thu phát sinh theo quy định của pháp luận vào ngân sách nhà nước; Phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước...
Nhờ những biện pháp quyết liệt được triển khai, đến thời điểm ngày 30/6/2019, cơ quan thuế đã thu được 16.381 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 42,3% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, hiện nay, số nợ thuế không thu hồi được ngày càng tăng cao do có một số người nộp thuế tự ngừng, nghỉ, bỏ khỏi địa chỉ đã đăng ký kinh doanh… Để giải quyết triệt để vấn đề này, Tổng cục Thuế cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ, xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế, xử lý nợ thuế trong Luật Quản lý thuế để phù hợp với thực tế phát sinh và theo thông lệ quốc tế, quản lý thu hiệu quả số tiền nợ thuế.
Đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách, Tổng cục Thuế đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để xử lý tiền, dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).