Nhiều khả năng sẽ giảm bội chi ngân sách

Theo báo Đầu tư

Mặc dù còn phải gần 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2010, nhưng theo tính toán của Chính phủ, mức bội chi năm 2010 chỉ vào khoảng 5,95% GDP tức là giảm được 0,25% so với kế hoạch và giảm 0,95% so với năm 2009.

Theo Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 sẽ được Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 8 tới đây, thì thu ngân sách năm 2010 dự kiến đạt 520.100 tỷ đồng, tăng 12,7% so với dự toán (tăng khoảng 58.600 tỷ đồng); chi ngân sách năm 2010 ước là 637.200 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán. Vì vậy, nếu sử dụng một phần trong số tiền tăng thu để giảm bội chi thì sẽ giảm được mức bội chi xuống 5,95% GDP.

“Hầu hết các khoản thu đều tăng so với năm 2009, đặc biệt là thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) quốc doanh và khu vực DN ngoài nhà nước (tăng khoảng 30% so với năm 2009). Đây là cơ sở để Chính phủ tiếp tục giảm bội chi ngân sách năm 2011 xuống thấp hơn nữa”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền nhận định.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách năm 2011 ước đạt khoảng 588.500 tỷ đồng, tăng 12,4% so với số dự kiến thực hiện năm 2010; chi ngân sách ước đạt 723.600 tỷ đồng đồng, tăng 20% so với số dự kiến thực hiện năm 2010. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính tính toán để giảm bội chi xuống tối đa chỉ còn 5,5% GDP.

Nếu con số trên được Quốc hội thông qua, thì tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2011 giảm 0,45% so với năm 2010, song về con số tuyệt đối,  số bội chi sẽ lên đến 125.100 tỷ đồng, tăng 5.400 tỷ đồng so với năm 2010. “Bội chi trên 125.000 tỷ đồng là con số khá cao, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang có xu hướng tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia”, ông Hiền bình luận và cho rằng, nếu Bộ Tài chính cân đối lại cơ cấu thu - chi, cơ cấu đầu tư thì vẫn có thể giảm mức bội chi xuống dưới 5,5% GDP, song vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 7 - 7,5% như dự kiến của Chính phủ. “Nếu sử dụng 50% số vượt thu năm 2010 của Ngân sách Trung ương (17.800 tỷ đồng, tương đương 0,78% GDP) để bù đắp bội chi thì mức bội chi ngân sách năm 2011 chỉ vào khoảng 4,72%”, ông Hiền tính toán.

Năm 2010, mặc dù Quốc hội cho phép Chính phủ được bội chi tối đa là 6,2% GDP, song Chính phủ đã nỗ lực giảm bội chi xuống còn 5,95% GDP, song ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vẫn kiến nghị phấn đấu giảm mức bội chi xuống 5,5% GDP, bởi “vẫn còn nhiều dư địa để giảm bội chi để giảm áp lực tăng bội chi cho giai đoạn 2011 - 2015”.

“Năm nào chúng ta cũng vượt thu so với dự toán, nhưng năm nào tỷ lệ bội chi cũng rất cao. Tăng thu là “cơ hội vàng” để giảm bội chi. Chúng ta đã không tận dụng cơ hội này để giảm bội chi thì khó có thể giảm bội chi trong các năm tới”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, để giảm bội chi năm 2010 xuống còn ở mức 5,5%, cần một số giải pháp sau.

Thứ nhất, Chính phủ có thể sử dụng 6.000 - 10.000 tỷ đồng trong số tăng thu của Ngân sách Trung ương để bù đắp bội chi, số tăng thu còn lại tiếp tục để xử lý bội chi năm 2011.

Thứ hai, nguồn thu từ khoản chênh lệch của Ngân hàng Nhà nước rất lớn (8 tháng đầu năm đã đạt 11.740 tỷ đồng, tăng hơn 130% so với dự toán cả năm). Vì vậy, cần phải giám sát chặt chẽ nguồn thu này để tăng thu cho ngân sách.

Thứ ba, phải đẩy mạnh công tác chống thất thu, bởi mặc dù ngành thuế và hải quan đã có cố gắng rất lớn, nhưng thất thu ngân sách vẫn còn khá nhiều (năm 2010, nhờ tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngành thuế và hải quan đã cưỡng chế được 12.385 tỷ đồng tiền thuế của năm 2009).

“Năm 2011 nền kinh tế nước ta đã bắt đầu đi vào thế ổn định, nên không thể tiếp tục thực hiện các biện pháp đặc biệt. Vì vậy, nếu Chính phủ sử dụng đồng bộ các biện pháp trên, đồng thời cắt giảm đầu tư vào những công trình, dự án chưa thực sự cấp bách thì mức bội chi năm 2011 chỉ vào khoảng 5% GDP, tối đa cũng chỉ lên đến 5,3% GDP”, ông Hiển tính toán.