Nhiều lợi ích thiết thực từ dịch vụ thuế điện tử


Một trong những dấu ấn cải cách hành chính nổi bật của ngành Thuế thời gian qua là việc triển khai hiệu quả các dịch vụ thuế điện tử. Phương thức làm việc hiện đại này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một trong những dấu ấn cải cách hành chính nổi bật của ngành Thuế thời gian qua là việc triển khai hiệu quả các dịch vụ thuế điện tử. Nguồn: internet
Một trong những dấu ấn cải cách hành chính nổi bật của ngành Thuế thời gian qua là việc triển khai hiệu quả các dịch vụ thuế điện tử. Nguồn: internet

Triển khai thuế điện tử trên toàn quốc

Xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, ngành Thuế đã nỗ lực triển khai hiệu quả các dịch vụ thuế điện tử như: Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử trên toàn quốc.

Trong công tác đăng ký thuế điện tử, hiện nay, ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) của ngành Thuế đã thực hiện cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp khi nhận được giao dịch đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh gửi qua đường truyền tin. Với mục tiêu tới năm 2020, có tối thiểu 65% tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế điện tử, hiện nay, ngành Thuế đã hoàn thành việc phân tích yêu cầu nghiệp vụ để nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ triển khai thực hiện đăng ký thuế điện tử, theo kế hoạch sẽ triển khai thí điểm năm 2019.

Thời gian qua, người nộp thuế là cá nhân đã triển khai khai thuế điện tử đối với tờ khai cho thuê nhà tại 32 Cục Thuế địa phương, kết nối dữ liệu thành công với 03 ngân hàng thương mại và tiếp tục triển khai ứng dụng quản lý các khoản thu liên quan đến đất và kết nối với cơ quan Tài nguyên môi trường tại 10 tỉnh, thành phố. Qua đó, đã giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính (theo hồ sơ giấy là 03 ngày) xuống trung bình là 01 ngày, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính và hồ sơ giấy của người nộp thuế.

Dịch vụ khai thuế điện tử đã được doanh nghiệp thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Đến nay, đã có 697.963/699.162 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,83% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 56,6 triệu hồ sơ.

Nhằm triển khai hiệu quả dịch vụ nộp thuế điện tử, ngành Thuế đã phối hợp với 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 686.315/699.162 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,16%. Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 673.516 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 96,33% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong năm 2018, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 3.028.980 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 583.597 tỷ đồng.

Cùng với kăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế điện tử, ngành Thuế đã chú trọng thực hiện hoàn thuế điện tử. Đến nay, cơ quan thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố. Riêng trong năm 2018 (tính đến ngày 30/11/2018), cơ quan thuế các cấp đã giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế đối với 15.823 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 91,7% hồ sơ hoàn thuế GTGT đã giải quyết của trường hợp hoàn xuất khẩu và đầu tư) với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 89.358 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 90% số tiền được hoàn của trường hợp hoàn xuất khẩu và đầu tư).

Hoàn thuế điện tử đã tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan Thuế. Theo đó, cơ quan Thuế có cơ sở dữ liệu liên quan đến hồ sơ hoàn thuế một cách đầy đủ và kịp thời, cơ sở dữ liệu về hoàn thuế sẽ được liên kết với các dữ liệu điện tử khác mà cơ quan Thuế đang quản lý. Đối với người nộp thuế, hoàn thuế điện tử đã thể hiện được sự ưu việt trong việc lập, gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế và nhận kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Đặc biệt, đối với những hồ sơ cần giải trình, bổ sung thông tin trong quá trình giải quyết, người nộp thuế có thể thực hiện giải trình, bổ sung một cách dễ dàng, nhanh chóng ngay tại văn phòng của người nộp thuế do việc hoàn thuế được thực hiện hoàn toàn qua mạng. Người nộp thuế cũng có thể hủy hồ sơ, lập lại hồ sơ mới trong trường hợp hồ sơ đã được gửi đi, nhưng sau đó phát hiện hồ sơ chưa đầy đủ theo yêu cầu… Ngoài ra, người nộp thuế cũng có thể tra cứu lại toàn bộ quá trình hoàn thuế kể từ khi nộp hồ sơ đến khi kết thúc.

Mang lại lợi ích thiết thực

Hệ thống đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử trên toàn quốc thời gian qua đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện khai và nộp thuế bằng phương thức điện tử và không phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Điều này đã giúp tiết kiệm chi phí chung cho toàn xã hội và giúp cho ngành Thuế giảm áp lực phải thu nhận hồ sơ giấy, giảm thiểu công việc nhận và nhập thủ công các hồ sơ thuế.

Thêm vào đó, những ưu điểm của hệ thống dịch vụ thuế điện tử đã mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ nhiều tài khoản cho các chức danh khác nhau, cho phép thực hiện toàn bộ quy trình dự thảo, phê duyệt và ký điện tử hồ sơ thuế trên hệ thống, không cần các bước in, ký trên giấy trước khi ký điện tử. Đặc biệt, hệ thống dịch vụ thuế điện tử thân thiện với người dùng, tương thích với cách sử dụng các hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, do đó doanh nghiệp không tốn thêm chi phí đào tạo khi chuyển sang hệ thống mới.

Bà Nguyễn Thu Trà, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc phát triển hệ thống dịch vụ thuế điện tử không chỉ hỗ trợ tốt hơn trong công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp quản trị nội bộ tốt hơn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội. Không những thế, hệ thống dịch vụ thuế điện tử còn đáp ứng yêu cầu về các dịch vụ công trực tuyến liên ngành như: lệ phí trước bạ nhà đất, ô tô, xe máy…

Những nỗ lực phát triển hệ thống dịch vụ thuế điện tử của ngành Thuế đã đáp ứng được yêu cầu tại Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội về dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, việc bổ sung các dịch vụ mới còn đáp ứng việc công khai, minh bạch thông tin và được cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và tổ chức quốc tế đánh giá cao.