Những nội dung chính của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 32). Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2019 và áp dụng từ năm ngân sách 2019.

Nghị định với những quy định rõ ràng, chặt chẽ sẽ giúp nâng cao quyền, trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Nghị định với những quy định rõ ràng, chặt chẽ sẽ giúp nâng cao quyền, trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo 

Việc ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo trong các quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg (như trùng lắp nguồn kinh phí chi thường xuyên cho cùng một nội dung; một danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có hai khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau...).

Đồng thời, quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đấu thầu năm 2013, hệ thống các văn bản quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế; thông tin và truyền thông, văn hóa thể thao và du lịch sẽ ban hành trong thời gian tới).

Hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Đặc biệt, Nghị định 32/2019/NĐ-CP được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực…

Nghị định 32/2019/NĐ-CP nêu rõ, nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công bao gồmnguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trong đó, kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của các bộ, cơ quan trung ương từ nguồn ngân sách trung ương, kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương; Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí; Nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá; Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị từ trung ương đến địa phương

Các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách trung ương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương.

Nghị định quy định về phương pháp và thẩm quyền quyết định giá, đơn giá, mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ côngnhư sau:

Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện giao nhiệm vụ thì căn cứ số lượng, khối lượng nhiệm vụ; chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền phê duyệt dự toán kinh phí giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.

Làm rõ phương pháp định giá và trình tự định giá

Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đặt hàng thì phương pháp định giá, cơ quan có thẩm quyền định giá và trình tự định giá, đơn giá theo quy định của pháp luật về giá và các pháp luật khác có liên quan.

Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thì phương pháp định giá, cơ quan có thẩm quyền định giá và trình tự định giá, đơn giá, mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật về giá và các pháp luật khác có liên quan.

Giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi phí tiền lương trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương theo chế độ Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo định mức lao động, định mức chi phí (nếu có) do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

Đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng đồng thời các điều kiện

Việc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chỉ thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên được giao kinh phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng đồng thời các điều kiện: Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động phải đáp ứng thêm điều kiện phải là đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ tài chính theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực; Việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của đơn vị, đã và đang được cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, thực hiện theo số lượng, khối lượng, chi phí hợp lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định số 32/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2019 và áp dụng từ năm ngân sách 2019.

Nghị định số 32/2019/NĐ-CP được bố cục thành 5 Chương và 30 Điều, trong đó quy định cụ thể các nội dung sau:

- Chương I (gồm 8 Điều) quy định những nội dung chung về phạm vi, đối tượng áp dụng của Nghị định; giải thích từ ngữ; nguồn kinh phí thực hiện; danh mục sản phẩm, dịch vụ công; phương thức thực hiện (giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu); phương thức thực hiện; thẩm quyền quyết định phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; phương pháp và thẩm quyền quyết định giá, đơn giá, mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công.

 - Chương II (gồm 8 Điều và 3 Mục) quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, trong đó quy định cụ thể điều kiện thực hiện; căn cứ và nội dung thực hiện; điều chỉnh kinh phí.

- Chương III (gồm 5 điều và 2 Mục) quy định việc đặt hàng và đấu thầu sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó quy định cụ thể về điều kiện đặt hàng, căn cứ đặt hàng, nội dung hợp đồng đặt hàng và quy định về đấu thầu.

- Chương IV (gồm 4 Điều) quy định quản lý quản lý ngân sách nhà nước khi thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

- Chương V (gồm 5 Điều) quy định về việc tổ chức thực hiện, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.