Nợ thuế tăng do một bộ phận doanh nghiệp cố tình chây ỳ

Theo thanhtra.com.vn

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tình hình nợ đọng thuế tại một số địa phương từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng dần lên qua các tháng và diễn ra ở nhiều khoản thu, sắc thuế. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là một bộ phận doanh nghiệp cố tình chây ỳ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tổng số nợ thuế đến cuối tháng 10/2019 là 83.392 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng; nợ thuế không còn khả năng thu là 39.848 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 10/2019, số nợ thuế thu được đạt 27.667 tỷ đồng, bằng 71,4% tổng nợ có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2018, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tình hình nợ đọng thuế tại một số địa phương từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng dần lên qua các tháng và diễn ra ở nhiều khoản thu, sắc thuế.

Đáng chú ý là nợ có khả năng thu tăng lên ở khoản thu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản liên quan đến đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Tỷ lệ tổng nợ trên tổng ước thu nội địa năm 2019 ở mức 7%, cao hơn 2% so với yêu cầu của Chính phủ.

“Qua phân tích tình hình nợ thuế cho thấy, số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản” - ông Toản nói.

Cũng theo đại diện cơ quan quản lý nợ của Tổng cục Thuế, một nguyên nhân khác dẫn đến nợ thuế tăng, đó là một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, còn chưa tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thực hiện kê khai phát sinh thuế phải nộp của quý III/2019, nhưng chưa nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Một số doanh nghiệp phát sinh nợ tiền thuế bảo vệ môi trường, nhưng chưa nộp vào ngân sách tại một số địa phương, như: Thái Bình 1.002 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 1.053 tỷ đồng, Hậu Giang 545 tỷ đồng, Nghệ An 371 tỷ đồng.

Một nguyên nhân khác, đó là phát sinh nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất truy thu theo kết luận thanh tra, kiểm toán đất đai của một số dự án trên địa bàn một số địa phương, chưa nộp vào ngân sách… Đây là những nguyên nhân dẫn đến nợ thuế gia tăng trong thời gian qua.