Phải có sự phối hợp đồng bộ trong cổ phần hóa, thoái vốn DNNN


Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác triển khai tháo gỡ vướng mắc các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Các văn bản pháp quy đã có, vấn đề quan trọng là phương pháp tổ chức thực hiện CPH DNNN.
Các văn bản pháp quy đã có, vấn đề quan trọng là phương pháp tổ chức thực hiện CPH DNNN.

Tập trung rà soát, hoàn thiện về cơ chế chính sách 

Cùng với việc hoàn thiện xây dựng các văn bản, chế độ về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các DNNN, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp, đôn đốc bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN, nhằm bảo đảm tiến độ CPH, thoái vốn theo kế hoạch, đảm bảo thu đủ số thu hồi vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư tại các tổ chức kinh tế theo dự toán.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp các bộ, ngành và địa phương tập trung rà soát về cơ chế CPH và thoái vốn, có văn bản báo cáo TTCP kết quả rà soát các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; Đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH, thoái vốn.

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến hết tháng 9/2019, có 09 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng; có 12/62 DN thuộc danh mục ban hành theo QĐ số 1232/QĐ-TTg của TTCP thực hiện thoái vốn với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng; các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ngoài danh mục theo QĐ số 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 2.432 tỷ đồng, thu về 4.653 tỷ đồng.

Chuẩn bị tốt các khâu xác định giá trị DNNN thì mới đảm bảo được tiến độ CPH.
Chuẩn bị tốt các khâu xác định giá trị DNNN thì mới đảm bảo được tiến độ CPH.

Muốn đẩy nhanh tiến độ CPH, cần có sự phối hợp đồng bộ

Trước đó, tại nội dung Thông báo số 249/TB-VPCP ngày 17/7/2019, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện có kết quả công tác CPH, thoái vốn DNNN.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến cho tiến độ CPH, thoái vốn DNNN còn chậm là do quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DNNN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Trên cơ sở những nguyên nhân của sự chậm trễ trong CPH, thoái vốn DNNN đã được chỉ ra, Bộ Tài chính cho rằng, các văn bản pháp quy đã có đủ, vấn đề quan trọng là phương pháp tổ chức thực hiện, cần xác định tốt giá trị DNNN.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ CPH, tới đây, các cơ quan đại diện sở hữu, các bộ, ngành sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các UBND các tỉnh, thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các DNNN đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn DNNN. Đồng thời, chuẩn bị tốt các khâu xác định giá trị DNNN thì mới đảm bảo được tiến độ CPH, thoái vốn từ nay đến 2020.