Phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo ngành Tài chính

Huyền Trang

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc, muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác tổ chức cán bộ với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ cả về số lượng và chất lượng; đồng thời, tập trung vào việc ban hành các văn bản quy định nhằm chuẩn hóa và phát triển đội ngũ lãnh đạo các cấp như: quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ; phân cấp quản lý cán bộ, quy chế đánh giá cán bộ, hướng dẫn công tác quy hoạch cán bộ; luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý… Ông Trương Hùng Long - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), đã có cuộc trao đổi xung quanh việc triển khai công tác quy hoạch cán bộ ngành Tài chính trong thời gian vừa qua.

Phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo ngành tài chính

Ông Trương Hùng Long - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính)

PV: Công tác cán bộ là một trong những vấn đề có tầm quan trọng trong yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước. Trong đó, việc xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tầm quan trọng đặc biệt. Vậy, xin ông cho biết trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã triển khai công tác xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo như thế nào?              

Ông Trương Hùng Long: Như chúng ta đã biết, quy hoạch cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong công tác cán bộ vì đây nền tảng, cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ tạo điều kiện để kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo; có quy hoạch cán bộ mới có thể xây dựng được kế hoạch cán bộ. Quy hoạch phải gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ như: đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bảo vệ chính trị nội bộ... và đánh giá cán bộ, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ là tiền đề cho bố trí, quy hoạch cán bộ.

Nghị quyết Trung ương 3 Khóa VIII đã khẳng định “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Nhận thức rõ vấn đề này, ngày 30/01/2012, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BCSĐ về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp thuộc Bộ Tài chính (giai đoạn 2011 - 2015); theo đó, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo ngành Tài chính đã được triển khai một cách toàn diện, từ địa phương đến trung ương và tuân theo nguyên tắc:

Thứ nhất: Quy hoạch cán bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu bắt buộc phải thực hiện trước khi tiến hành quy hoạch. Đây được coi là nền tảng của quy hoạch; là nội dung quan trọng số một, có đánh giá sát, đúng thì mới có nhân sự quy hoạch đúng. Nội dung đánh giá tập trung vào: đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ; phẩm chất đạo đức; năng lực thực tiễn và chiều hướng triển vọng phát triển.

Thứ hai: Đáp ứng Tiêu chuẩn cán bộ theo quy định tại Nghị quyết TW 3 (Khoá VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hướng dẫn về các tiêu chuẩn của ngành cho từng cấp cán bộ. 

Thứ ba: Đảm bảo độ tuổi đưa vào quy hoạch tối thiểu phải đủ 01 nhiệm kỳ (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 50 tuổi).

PV: Thưa ông, điểm nhấn trong công tác quy hoạch cán bộ ngành Tài chính vừa qua là gì? Xin ông cho biết kết quả đạt được sau chiến dịch triển khai công tác quy hoạch?

Ông Trương Hùng Long: Công tác quy hoạch cán bộ ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2015 đã được triển khai trong toàn ngành trên tổng số 10.843 đơn vị đầu mối (từ cấp tổ, đội, đến tổng cục; cục, vụ thuộc Bộ); mở rộng nguồn giới thiệu cán bộ đưa vào quy hoạch (gồm có nguồn giới thiệu quy hoạch tại đơn vị và giới thiệu từ bên ngoài đơn vị); quy hoạch thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới; lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên; quy hoạch cấp trên thúc đẩy quy hoạch cấp dưới.

Việc quy hoạch theo hình thức này, vừa tạo nguồn cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, vừa tạo động lực thúc đẩy, phấn đấu vươn lên của cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết trong sự phát triển của đội ngũ cán bộ, đề phòng tư tưởng cơ hội, chạy theo quy hoạch; không cứng nhắc trong xây dựng và thực hiện quy hoạch….

Sau 5 tháng triển khai quyết liệt, trong tổng số 41.528 lượt cán bộ đưa vào giới thiệu quy hoạch, toàn ngành đã xác định được trên 26.213 người vào 30 loại chức danh quy hoạch, trong đó: Khối cơ quan Bộ: 532 người, khối các tổng cục: 25.030 người, khối các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ: 651 người. Với độ tuổi cán bộ quy hoạch dưới 40 tuổi đạt gần 54%, và cơ cấu cán bộ nữ là 38,18%, điều đó đã khẳng định việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ và đặc biệt là cán bộ nữ đang được quan tâm, chú trọng.

Theo kết quả triển khai, đội ngũ cán bộ quy hoạch trong toàn ngành giai đoạn này có trình độ đào tạo từ đại học trở lên chiếm gần 87% cho thấy chất lượng cán bộ quy hoạch đã được nâng lên rõ rệt.

Kết quả quy hoạch cán bộ của ngành cũng đã thể hiện phương châm “động” và “mở”, một chức danh được quy hoạch cho nhiều người và một người có thể quy hoạch vào nhiều chức danh. Có thể khẳng định rằng, hình thức quy hoạch này đã giúp ngành tài chính lựa chọn những cán bộ lãnh đạo hội tụ đủ những phẩm chất quan trọng nhất đó là: có cả tầm, tâm và tài. Đặc biệt, đối với các trường hợp bổ nhiệm trong thời gian gần đây (sau khi có kết quả quy hoạch giai đoạn 2011- 2015) đều đạt được số phiếu đồng thuận rất cao do có được sự tín nhiệm từ quá trình triển khai quy hoạch.

PV. Để công tác cán bộ ngành Tài chính ngày càng được nâng cao, theo ông cần chú trọng triển khai những vấn đề gì trong thời gian tới?

Ông Trương Hùng Long: Để tiếp tục củng cố, tăng cường công tác cán bộ ngành Tài chính trong thời gian tới, cần chú trọng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ việc luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch, đặc biệt cán bộ lãnh đạo trong quy hoạch coi đây là công tác thường xuyên, liên tục; xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trang bị phương pháp, kỹ năng quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ được quy hoạch để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chức danh quy hoạch.

Trường hợp xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cần lựa chọn cán bộ trong quy hoạch, đảm bảo đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm là những người đã được đào tạo, bồi dưỡng và qua thử thách, có tín nhiệm, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu công tác lãnh đạo trong tình hình mới.

Đối với công tác quy hoạch cán bộ trong thời gian vừa qua, cần phải xác định đây là quy hoạch theo giai đoạn 2011-2015, do đó định kỳ hàng năm cần phải tổ chức xem xét, đánh giá cán bộ trong diện quy hoạch, thực hiện rà soát, đưa ra ngoài quy hoạch các cán bộ không còn đáp ứng được yêu cầu của chức danh quy hoạch, đồng thời bổ sung thêm các cán bộ mới có năng lực, triển vọng phát triển vào quy hoạch.

PV: Xin cảm ơn ông!