Phát triển kinh tế Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc sau chiến tranh thế giới thứ 2 là bài học kinh nghiệm đáng ghi nhận đối với nhiều quốc gia, nhất là đối với Việt Nam, bởi Việt Nam và Hàn Quốc có khá nhiều điểm tương đồng về lịch sử. Do đó, việc tìm hiểu và phân tích những trụ cột chính trong tái cơ cấu kinh tế qua các thời kỳ hậu chiến tranh liên Triều là cần thiết nhằm giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Đất nước Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản (1910 – 1945) và nội chiến kéo dài 3 năm (1950 – 1953). Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là một quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên, với chỉ 30% diện tích đất có thể canh tác được. GDP bình quân đầu người hậu chiến tranh của Hàn Quốc là 70 USD vào năm 1954, cùng với tỷ lệ tiết kiệm quốc nội thấp; lúc này, Hàn Quốc phải dựa vào viện trợ nước ngoài để tồn tại (Myung Soo Cha, 2004).

Tuy vậy, nền kinh tế Hàn Quốc đã khiến thế giới ngạc nhiên với sự trỗi dậy thần kỳ từ năm 1960. Những cải cách mạnh mẽ khiến Hàn Quốc trở thành một cường quốc về công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, Hàn Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, với tổng giá trị GDP là 2,14 nghìn tỷ USD, GDP đầu người đạt 41,35 nghìn USD năm 2018 (IMF DataMapper). Vì lẽ đó, Hàn Quốc đã trở thành hình mẫu lý tưởng của một quốc gia phát triển có xuất phát điểm là một trong các nước thuộc “Thế giới thứ Ba”.

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả 2 quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Việt Nam mới thực hiện cải cách kinh tế từ năm 1986 nhưng đã thu được những kết quả tích cực. Dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế. Thông qua phân tích quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc từ năm 1953, các yếu tố quan trọng góp phần tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”, bài viết đúc rút kinh nghiệm cho Việt Nam trong tái cơ cấu kinh tế.

Tổng quan kinh tế Hàn Quốc qua các thời kỳ

Giai đoạn 1953 - 1979: Khôi phục đất nước sau chiến tranh

Sau chiến tranh, các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc đã kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách thúc đẩy các công ty công nghiệp trong nước. Chính phủ Hàn Quốc chọn các công ty trong các ngành công nghiệp mục tiêu và cho họ đặc quyền mua ngoại tệ và vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; đồng thời, dựng lên các hàng rào thuế quan với hy vọng rằng sự bảo hộ này sẽ mang lại cho các doanh nghiệp trong nước cơ hội cải thiện năng suất. Tuy nhiên, chính sách này đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Hàn Quốc và sự sụp đổ của nền Cộng hòa thứ nhất vào tháng 4/1960.

Dưới thời Tổng thống Park Chung Hee, Hàn Quốc chuyển sang chiến lược kích thích tăng trưởng thông qua xúc tiến xuất khẩu (EP) và không hoàn toàn từ bỏ chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI). Để theo đuổi EP, nhiều loại ưu đãi được đưa ra cho các công ty xuất khẩu theo hiệu suất xuất khẩu của họ, trong đó cho vay lãi suất thấp là quan trọng nhất. Một lợi thế khác của EP so với ISI là năng suất được nâng cao thông qua cách buộc các doanh nghiệp tuân theo quy luật của thị trường xuất khẩu và mở rộng liên hệ với các nước phát triển; dẫn đến hiệu quả tăng trưởng nhanh hơn đáng kể trong các ngành xuất khẩu. Sau khi chuyển sang EP, GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi và Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp hóa. Từ giai đoạn 1960-1962 đến giai đoạn 1973-1975, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm tương ứng từ 45% xuống 25%, trong khi tỷ trọng chế biến chế tạo tăng từ 9% lên 27% (Cha, 2004).

Trong thời kỳ những năm 1970, chính quyền Park Chung Hee giảm phụ thuộc vào sự hỗ trợ vũ trang của Hoa Kỳ bằng cách mở rộng khả năng sản xuất đạn dược. Điều này đòi hỏi chính quyền Park Chung Hee phải quay lại mô hình ISI để xây dựng các ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Người dân Hàn Quốc được hưởng lợi nhiều hơn khi xu hướng tăng trong hệ số Gini (đo lường sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) đảo ngược. Tốc độ tăng trưởng này đạt được chủ yếu thông qua tăng cường sử dụng đầu vào sản xuất thay vì cải thiện năng suất. Tích lũy vốn nhanh chóng được thúc đẩy bởi tỷ lệ tiết kiệm ngày càng cao do tỷ lệ phụ thuộc giảm.

Giai đoạn 1980 -1997: Dân chủ hóa và toàn cầu hóa

Hàn Quốc rơi vào hỗn loạn sau khi Tổng thống Park Chung-Hee bị ám sát năm 1979. Chun Doo-whan, xuất thân là một lãnh đạo quân đội, đã lên nắm quyền và đắc cử tổng thống thông qua bầu cử vào năm 1981, Hiến pháp Hàn Quốc đã sửa đổi để giới hạn mỗi tổng thống chỉ được tại vị một nhiệm kỳ duy nhất với thời hạn 5 năm và không được tái tuyển cử.

Chính quyền tổng thống Chun phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế lúc bấy giờ do cuộc Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 với tỷ lệ lạm phát cao và các kết quả bất lợi từ chính sách tập trung công nghiệp nặng và hóa chất. Cơ cấu kinh tế dựa trên các đại tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) dẫn tới sự bất bình đẳng thu nhập và tài sản. Chính phủ đã ban hành các chính sách để giữ nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng.

Tổng thống Chun công bố Chính sách hạn chế tập trung kinh tế vào năm 1980 nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào chaebol và các ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Chính sách này có mục đích tái cấu trúc nền kinh tế Hàn Quốc và tái phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, Chính phủ còn tiến hành đánh giá lại hiệu quả chung của nền kinh tế và mạnh dạn loại bỏ các công ty thua lỗ. Sự can thiệp của Nhà nước giảm dần sau khi cải cách chính sách thuế để hỗ trợ các ngành công nghiệp xuất khẩu. Các chaebol bị hạn chế mức trần tín dụng. Chính sách này giúp cân bằng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ (Lee, 1997).

Các chính sách trên đã đưa nền kinh tế Hàn Quốc trở lại với đà phát triển. Trung bình tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hằng năm dưới thời tổng thống Chun (1981 - 1987) là 8,7% (gia tăng đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 1,5% vào năm 1980), GDP quốc nội đạt 100 tỷ USD.

Năm 1988, chính quyền Roh Tae-woo kế nhiệm tập trung phát triển hệ thống phúc lợi xã hội thông qua chính sách nhà ở và kế hoạch sức khỏe quốc gia với trung bình 200 ngàn căn nhà mới được xây dựng mỗi năm. Để giảm khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, Chính phủ của Roh Tae-woo đã ban hành luật về lương tối thiểu. Tuy vậy, những chính sách trên đã làm gia tăng gánh nặng lên ngân sách quốc gia, cũng như số lượng các liên đoàn lao động và mâu thuẫn giữa lao động và quản lý. Trong thời kỳ này, các liên đoàn lao động tổ chức đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện điều kiện lao động. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp không chấp nhận những yêu cầu này, dẫn tới tranh chấp kéo dài và ngưng trệ hoạt động sản xuất.

Do chính quyền Roh Tae-woo quyết định không tham gia vào vấn đề lao động trong thời kỳ 1987-1989, giới chủ lao động đã đáp ứng yêu cầu tăng lương của các liên đoàn để tiếp tục các hoạt động kinh tế. Hệ quả của hành động này là sự leo thang của lạm phát, dẫn đến việc mất đi lợi thế cạnh tranh và làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, môi trường quốc tế giai đoạn này biến động theo hướng có lợi cho nền kinh tế Hàn Quốc với quyết định mở cửa thị trường của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc nhanh chóng nắm bắt cơ hội của thời kỳ toàn cầu hóa để gia nhập các thị trường mới giàu tiềm năng. Chính phủ Hàn Quốc lúc này đã thông qua dự luật tái cơ cấu lao động với các điểm chính như: Hợp pháp hóa việc sa thải nhân viên, chính sách giờ làm linh hoạt và cải thiện cơ cấu lao động. Tái cơ cấu lao động đã giúp chính phủ Hàn Quốc lúc đó giải quyết các mâu thuẫn đương thời. Sau này, chính quyền của Tổng thống Kim Young-sam tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Hàn Quốc trong suốt thập niêm 1990. Chính sách giao dịch tài chính và đứng tên sở hữu bằng tên thật để nhằm tránh mượn tên trốn thuế đã được ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ của Kim Young-sam cũng ban hành chính sách về tự do hóa tỷ giá ngoại hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài và bảo hiểm. Các chính sách này đánh dấu Hàn Quốc bắt đầu tham gia tiến trình toàn cầu hóa (Kim, 2013).

Giai đoạn 1997 - 2007: Khủng hoảng tài chính châu Á và phục hồi

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, những dấu hiệu của khủng hoảng tài chính đã xuất hiện tại Hàn Quốc. Đến năm 1997, nợ nước ngoài của các ngân hàng Hàn Quốc đã đạt 24% GNP. Trong đó, nợ ngắn hạn đạt đỉnh cao 350% dự trữ ngoại hối. Các chaebol có tỷ lệ nợ trên tổng vốn sở hữu trung bình là 400%, lớn hơn gần 60 lần so với con số 70% của các tập đoàn tại Mỹ. Vào cuối năm 1997, 5 tập đoàn kinh doanh lớn với khoảng 100 ngàn nhân viên tuyên bố phá sản dẫn tới sự rút vốn của các nhà đầu tư. Trong vòng sáu tháng, gần 15 ngàn doanh nghiệp giải thể và nửa triệu người thất nghiệp (Song, 2003).

Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 6% và tỷ lệ thất nghiệp 8% thì khoản vay lớn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)  đã không thể cứu vãn nền kinh tế Hàn Quốc. Chính quyền Kim Dae-jung buộc phải đưa ra các chính sách mới dựa trên tư vấn của IMF để thỏa mãn điều kiện nhận được các khoản vay tiếp theo gồm: cắt giảm chi tiêu, tăng lãi suất tiết kiệm và thuế. Những chính sách này càng gây thêm hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi vẫn không giúp giảm tình trạng thất nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc thể chế hóa các giao dịch tài chính và loại bỏ giới hạn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Hàn Quốc để thu hút đầu tư nước ngoài. Tổng thống Kim Dae-jung cũng cho phép mua bán và sáp nhập các chaebol yếu để tạo thành các công ty mới. Điển hình như: Kia Motors được Huyndai Motors mua lại, Huyndai mua lại bộ phận bán dẫn của LG, bộ phận năng lượng của Samsung Heavy Industries và Huyndai Industries bị sáp nhập vào Hansung (Heo and Woo, 2006). Đạo luật Kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán được thông qua buộc các chaebol phải gửi báo cáo tài chính hàng năm và bị kiểm toán bởi một công ty được công nhận hai lần một năm.

Sau đó, Tổng thống Roh Moo-hyun đắc cử vào năm 2003 đã giúp Hàn Quốc nhanh chóng thanh toán hết các khoản nợ IMF. Dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, Hàn Quốc nhanh chóng gia tăng dự trữ ngoại hối từ 20,4 tỷ USD vào năm 1997 lên 206,1 tỷ USD vào năm 2006, đứng thứ năm trên thế giới. Mặc dù đã nhanh chóng phục hồi, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn tiềm ẩn những rủi ro do chính sách ngắn hạn đem lại. Do Hiến pháp Hàn Quốc giới hạn tổng thống chỉ có duy nhất 1 nhiệm kỳ 7 năm đã khiến cho các tổng thống tại vị chú trọng hiệu quả tức thời và để lại nhiều vấn đề cho người kế nhiệm. Chính việc khuyến khích tín dụng trong các đời tổng thống trước là nguyên nhân gây ra tình trạng tín dụng xấu. Đi kèm với tín dụng xấu là sự rời bỏ của các nhà đầu tư trong nước khi chi phí lao động tăng cao cùng với đình công liên tục. Từ thời Tổng thống Kim Dae-jung đến Tổng thống Roh Moo-hyun, kinh tế Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng trong khoảng 4,4% đến 4,6%. Các con số này chỉ bằng một nửa so với các đời tổng thống trước.

Giai đoạn 2008- nay: Hậu suy thoái kinh tế thế giới

Suy thoái kinh tế thế giới 2008 đã khiến cho kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Xét về các điều kiện bên trong như dự trữ ngoại hối lớn, khung chính sách tốt, ít tài sản xuất xứ từ ngân hàng phương Tây thì Hàn Quốc đáng ra sẽ trụ vững qua đại khủng hoảng tài chính trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nền kinh tế trọng thương của Hàn Quốc và quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các thị trường không trừ Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2008, đồng won đã mất giá hơn 25,4% so với USD. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng tụt dốc với giá cổ phiếu giảm 27,2% (Kim, 2014).

Đứng trước những khó khăn trên, Chính phủ Lee Myung-bak đã phản ứng với các chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động. Chính phủ đưa ra gói kích thích tài chính trị giá 4% GNP Hàn Quốc, lãi suất giảm từ 5,25% xuống 2%. Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng với việc tăng chi tiêu tài chính và hỗ trợ thuế, ngoài ra còn mở rộng thủ tục miễn thuế để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng quốc nội (Kim, 2014). Cùng với cải cách tài chính, Nhà nước còn thực hiện tái cơ cấu kinh doanh với các ngân hàng làm động cơ chính. Ngân hàng phân loại các công ty thành bốn nhóm thông qua quá trình đánh giá khách quan, và tiến hành tái cấu trúc các công ty bị xếp hạng kém (Kim, 2014).

Các chính sách hiệu quả này đã đưa nền kinh tế Hàn Quốc hồi phục nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ chỉ 0,7% vào năm 2009 tăng lên 6,5% vào năm 2010 (World Bank). Tuy nhiên, phục hồi kinh tế nhanh chóng khiến đồng won tăng giá mạnh. Điều này đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế trọng xuất khẩu và đã khiến chính quyền Tổng thống Lee áp mức trần 125% cho giao dịch ngoại hối. Đồng thời, các ngân hàng lúc này buộc phải sở hữu một số trái phiếu được xếp hạng cao bởi các tổ chức quốc tế như Standard & Poor’s hay Moody’s Investors Service. Các quy định thanh khoản ngoại tệ bị thắt chặt, Chính phủ bắt đầu áp dụng quy trình kiểm soát vốn.

Yếu tố thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển vững chắc

Thực tiễn cho thấy, các yếu tố chính góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho kinh tế Hàn Quốc phát triển có thể điểm tới như sau:

Giáo dục: Hàn Quốc là quốc gia có ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo. Chính các nguyên tắc của Nho giáo khiến người Hàn Quốc coi trọng học tập và đặt những người có học thức lên tầng lớp cao trong xã hội. Trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, chính quyền Park Chung-Hee cũng ghi nhận điều này và xếp giáo dục là nguyên tắc cơ bản cho quá trình phát triển kinh tế. Với ước vọng bắt kịp các quốc gia công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này, đồng thời mô phỏng và cải thiện (Mathews and Cho, 2000). Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc tăng lương cho đội ngũ giáo viên, tổ chức các chương trình du học và nghiên cứu, đồng thời cải cách chương trình giảng dạy.

Giáo dục được định hướng để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế dựa trên sự hợp tác giữa nhiều tổ chức khác nhau về kinh tế và chính sách như Hội đồng hoạch định kinh tế, Viện Phát triển Hàn Quốc và Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc và về giáo dục như Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Các tổ chức này thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhau để học hỏi được các kỹ thuật đương thời từ Nhật Bản và phương Tây, bao gồm các chương trình đào tạo quản lí và đưa chuyên gia nước ngoài về Hàn Quốc.

Nền giáo dục Hàn Quốc còn trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kũ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Chương trình giảng dạy của các trường đại học được giám sát chặt chẽ và bắt kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Tầm nhìn giáo dục đúng đắn đã tạo ra nguồn nhân lực tài năng ở Hàn Quốc, cho phép nền kinh tế áp dụng các xu hướng toàn cầu cũng như tạo cơ sở cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hoạch định chính sách: Gần 2 thập kỷ đầu (1961-1979) của 3 thập kỷ “kỳ tích”, Hàn Quốc được lãnh đạo bởi chính quyền có xuất thân từ quân đội và họ thúc đẩy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu lợi thế và chi phí nhân công. Chính phủ Hàn Quốc còn đặt các tiêu chuẩn sản xuất cao hơn để đưa chương trình Made in Korea lên tầm quốc tế và giữ thị phần ổn định trên thị trường thế giới. Chính phủ Hàn Quốc tuyển dụng những nhà hoạch định chính sách có tầm nhìn giúp các chính sách công nghiệp hóa thành công, tăng trưởng năng suất lao động và tạo ra các nghiên cứu kinh tế có giá trị. Một nguyên nhân khác dẫn tới hiệu quả cao của các chính sách kinh tế là việc Hiến pháp quy định mỗi tổng thống chỉ được tại vị duy nhất một nhiệm kỳ. Điều này khiến cho các nhà lãnh đạo thực hiện các chính sách hiệu quả, tuy nhiên, đây cũng chính là rủi ro cho việc các tổng thống kế nhiệm phải giải quyết những hậu quả của các chính sách của người tiền nhiệm.

Viện trợ nước ngoài: Viện trợ nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ phát triển của Hàn Quốc. Chỉ riêng Mỹ, giai đoạn 19450-1976 đã đóng góp 12,3 tỷ USD. Chính phủ đã nắm quyền chủ động trong việc phân phối và sử dụng nguồn viện trợ, với mục tiêu hỗ trợ các chính sách đã ban hành và hướng tới mức sống cao hơn.

Chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng nguồn lực này hiệu quả thông qua quá trình theo dõi chặt chẽ các chương trình sử dụng nguồn đầu tư từ viện trợ. Chính phủ còn thành lập một ủy ban đặc biệt để quản lý các khoản tài trợ và vay nước ngoài, loại bỏ các chính sách đơn chiều và cung cấp các chương trình kiểm soát cũng như các dự án hiệu quả với mục đích thuần kinh tế.

Hầu như tất cả các khoản viện trợ nước ngoài đều được dùng vào cơ sở hạ tầng kinh tế và lĩnh vực sản xuất: trong giai đoạn 1962 - 1978, 73% các khoản vay phát triển nhằm mục đích nâng cấp hạ tầng và khuyến khích sản xuất, trong giai đoạn 1979 – 1992, tỷ lệ này tăng lên 94%. Việc phân bố nguồn vốn như trên đã đóng góp cho sự thành công của quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc.

Các tập đoàn chaebol: Chaebol là một hệ thống các công ty tích hợp đặc biệt và có tính gia tộc sâu sắc, ở đó các thành viên trong cùng một gia đình quản lý các công ty ở các ngành nghề khác nhau và không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào về nắm giữ đủ cổ phần. Chaebol là một yếu tố giúp nền kinh tế Hàn Quốc phát triển từ sau đổ vỡ chiến tranh liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn này để đạt được những mục đích của các chính sách kinh tế. Đóng góp của các chaebol có vai trò quan trọng đối với kinh tế Hàn Quốc, chỉ 10 chaebol lớn nhất đã đóng góp gần 1/4 GDP của toàn quốc vào năm 1974, do đó, chính phủ Hàn Quốc ưu ái ban hành các chính sách có lợi cho các chaebol.

Chính phủ Hàn Quốc dựa vào các chaebol để đạt được mục tiêu của chính sách kinh tế. Ngược lại, sự phát triển của chaebol chủ yếu đạt được nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Các chính sách về tiếp cận tín dụng một các dễ dàng đã giúp các chaebol nhanh chóng bắt kịp với nền kinh tế trọng thương và thành công. Chính phủ ban hành các điều luật có lợi cho chaebol, làm các tập đoàn này đạt được các kết quả tích cực và các thành quả này lại thúc đẩy việc ban hành các chính sách thuận lợi.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam có nhiều điều để học hỏi từ mô hình phát triển của Hàn Quốc. Về giáo dục, Việt Nam nên thực hiện một hệ thống giáo dục gắn kết kỹ năng của một sinh viên tốt nghiệp đại học với nhu cầu của thị trường lao động. Việt Nam đứng thứ 28 trong tổng số các nước có chi tiêu công về giáo dục nhiều nhất (World Bank Data, 2018) nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong số các sinh viên mới tốt nghiệp là 7,43% so với trung bình cả nước 2,3% vào năm 2016 và tỷ lệ sinh viên có việc làm trái ngành học là khoảng 60%, năm 2017. Điều này cho thấy, Việt Nam đang không tận dụng tối đa lực lượng lao động mới cũng như các kiến thức giáo dục chuyên môn không được áp dụng, khiến cho năng suất lao động giảm sút. Giáo trình giảng dạy cần phải được thay đổi cũng như cập nhật các tiêu chuẩn đầu ra đại học. Hệ thống giáo dục nên được xây dựng dựa trên mục đích cân bằng nguồn cung và nhu cầu lực lượng lao động.

Quá trình tuyển dụng phải dựa trên các tiêu chí rõ ràng để góp phần xây dựng một chính phủ có đủ năng lực để hoạch định chính sách. Việt Nam cũng nên đảm bảo điều kiện tối đa cho những con người tài năng tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia. Chính phủ cũng nên thay đổi để có được những con người giúp nắm bắt tình hình và xu hướng quốc tế. Với việc chính quyền Việt Nam đã ghi nhận tầm quan trọng của khu vực tư nhân, các quy trình pháp lý cũng cần được tinh chỉnh để kiến tạo môi trường thuận lợi.

Việt Nam còn có thể học tập Hàn Quốc trong cách sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài. Chính phủ nên đóng vai trò chủ động phân phối nguồn vốn dựa trên các mục tiêu quốc gia. Với một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Việt Nam có thể học tập cách phân phối theo khu vực kinh tế, quản lý dòng vốn và giám sát các dự án thực hiện dựa trên nguồn vốn viện trợ. Là quốc gia đứng thứ 2 về tổng số vốn ODA và đứng thứ nhất về giá trị FDI tại Việt Nam, Hàn Quốc có thể chuyển giao kinh nghiệm của mình qua nhiều kênh khác nhau: các hội thảo, đề án nghiên cứu, quá trình chuyển giao công nghệ.

Từ mô hình các tập đoàn kinh tế như cheabol của Hàn Quốc, Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để xây dựng những tập đoàn kinh tế quốc doanh. Bản chất các chaebol chính là các tập đoàn tư nhân nhưng có vai trò lớn trong nền kinh tế quốc gia và được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, việc tái cơ cấu lại và mạnh mẽ loại bỏ những mắt xích yếu kém thông qua mua bán và sáp nhập các tập đoàn này là cần thiết.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Cha, MS (2004), Facts and Myths about Korea’s Economic Past, Australian Economic History Review, Vol. 44, No. 33;

2. Heo, U. and Woo, J. (2006), South Korea’s Experience with structural Reform: Lessons for other countries, Korean Social Science Journal, 33(1), p.12;

3. Kim, K. (2013), Chaebols and Their Effect on Economic Growth in South Korea. Korean Social Sciences Review, 3(2);

4. Kim, S. (2014), South Korea’s Policy Responses to Global Economic Crisis. In: First Middle East Conference on Global Business, Economics, Finance and Banking. Dubai;

5. Lee, Y. (1997), The State, Society and Big Business in South Korea, London: Routledge Advances in Asia-Pacific Business;

6. Wesite: worldbank.org, imf.org…