Quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam
Kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là loại hình kinh doanh đã, đang phát triển mạnh mẽ ở các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, TMĐT đã, đang phát triển với các hình thức như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện truyền hình, mạng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển TMĐT hiện nay xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế.
Khó khăn khi thu thuế thương mại điện tử
Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Mặc dù, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm như: Kinh doanh tiền điện tử, tiền ảo, tài sản kỹ thuật số; cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các ứng dụng phần mềm; kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử thực tế này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại ngành nghề kinh doanh và xác định nghĩa vụ nộp thuế đối với từng loại hình.
Hiện nay, ở Việt Nam phần lớn doanh nghiệp (DN) sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu cho các giao dịch TMĐT. Hóa đơn giấy chiếm tỷ lệ khoảng trên 90%, còn lại là hóa đơn điện tử. Mặc dù, đã có quy định cụ thể về thời gian áp dụng hóa đơn điện tử nhưng sự vào cuộc của các DN vẫn chưa quyết liệt. Hơn nữa, phần lớn DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ còn thiếu và yếu về nhiều mặt, áp dụng hóa đơn điện tử. Do đó, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc quản lý kê khai.
Việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế hoạt động kinh doanh TMĐT, nhất là trong nền kinh tế chia sẻ (như loại hình kinh doanh của Uber, Grab) hiện nay vẫn còn tranh cãi trong việc xác định loại hình kinh doanh.
Việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại xuyên biên giới như: mô hình cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, mô hình du lịch, khách sạn trực tuyến cũng còn gặp nhiều khó khăn, do đây là giao dịch khá mới tại Việt Nam.
Quản lý đối với hoạt động bán hàng cũng cấp dịch vụ sản phẩm số trên website, các trang mạng xã hội, như: DN sử dụng website quảng bá sản phẩm hàng hóa kết hợp bán hàng trực tuyến trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng. Việc bán hàng, quảng cáo còn sử dụng qua điện thoại, tin nhắn nên cơ quan Thuế khó kiểm soát với các nhóm này, không kiểm soát được doanh thu...
Giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, cần sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế đối với giao dịch điện tử nhằm giúp cho việc kê khai nộp thuế được thuận tiện. Đồng thời, tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT.
Sự phối hợp giữa cơ quan Thuế với các ngân hàng, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức quốc tế trong việc đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực nào.
Chú trọng công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Phát triển công cụ tìm kiếm internet thông minh trên các trang web có hoạt động TMĐT để xác định hoạt động TMĐT chưa được kê khai thuế; Ghi chép các kết quả làm bằng chứng để sử dụng trong quá trình tính thuế và thanh tra, kiểm tra… phục vụ quản lý thuế theo công nghệ tìm kiếm và thông lệ quản lý thuế về TMĐT của các nước phát triển.