“Siết chặt quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm”

Văn Trường

TCTC Online - Đó là khẳng định của ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại Hội nghị Tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm diễn ra sáng 6/9 tại Hà Nội, do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tổ chức.

Tham dự hội nghị tập huấn có hàng trăm đại biểu từ các Cục, Vụ, lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trịnh Thanh Hoan đã thẳng thắn phê bình 13/14 doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam chưa chấp hành và thực hiện đúng một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm cần phải chấn chỉnh lại ngay trong thời gian tới.

Mục đích của hội nghị tập huấn này là nhằm giúp các DN bảo hiểm hiểu và nắm bắt kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để khắc phục thực trạng có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về Luật kinh doanh bảo hiểm, các thông tư, Nghị định các DN chấp hành không đầy đủ hoặc không hiểu Luật.

Hội nghị lần này tập trung cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới và tập huấn nội dung của thông tư 124 thay thế thông tư 155 và thông tư 86, thông tư 125 thay thế thông tư 156 và thông tư 86 và nội dung thông tư 135 thay thế quyết định 102.

Trên thực tế, qua thanh tra và kiểm tra, có rất nhiều văn bản về Luật kinh doanh bảo hiểm, các thông tư, Nghị định ở dưới chấp hành không đầy đủ hoặc không hiểu. Việc này diễn ra rất phổ biến của tất cả các DN bảo hiểm, kể cả DN bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.

Cũng theo ông Hoan, văn bản pháp luật được thực hiện ngày càng chặt chẽ với sự tham gia đầy đủ của các đối tượng điều chỉnh văn bản và đối tượng có liên quan; đảm bảo văn bản được ban hành phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển của thị trường. Hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm. Cụ thể, tính đến nay, thị trường bảo hiểm có 57 DN bảo hiểm hoạt động, trong đó có 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 14 DN bảo hiểm nhân thọ, 12 DN mua giới bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2003 - 2011, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm bình quân tăng 18,5%/năm, trong đó doanh thu bảo hiểm tăng bình quân 16,7%/năm, doanh thu hoạt động đầu tư tăng 33,3%/năm, tổng số tiền bảo hiểm của các DN bảo hiểm để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong giai đoạn 2003 - 2010 là xấp xỉ 51.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm chi trả trên 6.300 tỷ đồng, số tiền huy động được từ đầu tư ngoài nền kinh tế  thuộc các DN bảo hiểm đã đạt được trên 83.000 tỷ đồng vào năm 2011.

Ngành bảo hiểm đã từng bước khẳng định vai trò trong nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển, ổn định kinh tế - xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm phát triển đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế của các DN và các văn bản pháp quy.  Các tồn tại hạn chế tập trung vào công tác  tổ chức hoạt động kinh doanh, khai thác bảo hiểm, năng lực quản trị điều hành của các DN quản lý vốn và đầu tư tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm…

Mặt khác, các DN bảo hiểm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là Việt Nam thực hiện cam kết WTO để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho thế giới và cho phép thành lập chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ ở thị trường Việt Nam.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm  Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ các cam kết của Việt Nam giống quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN trong quá trình hoạt động và trong giai đoạn vừa qua, hệ thống cơ chế chính sách về bảo hiểm đã được bổ sung hoàn thiện và ban hành mới.