Sử dụng nguồn lực tài chính từ đất đai phát triển thị trường bất động sản


Ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính để huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản (BĐS).

Sử dụng các nguồn lực, nhất là từ đất đai để phát triển thị trường bất động sản và chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn: Internet
Sử dụng các nguồn lực, nhất là từ đất đai để phát triển thị trường bất động sản và chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn: Internet

Siết chặt tín dụng vào BĐS

Trong thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực tổ chức thực hiện quy định pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành, các giải pháp, chính sách của Chính phủ về thị trường BĐS. Tính từ năm 2014 đến nay thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, nguồn lực huy động chưa đa dạng. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch.

Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg  về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật để khai thác, sử dụng các nguồn lực, nhất là từ đất đai để phát triển thị trường bất động sản và chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, hoàn thành trong quý III/2019.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản... để huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS. Các tổ chức tín dụng được khuyến khích phân bổ vốn cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà cho thuê…

NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng được chỉ định lập kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, tổng hợp để báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bố trí vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội; Tăng cường thanh tra, giám sát đối với cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh BĐS, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về BĐS

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Chỉ thị này được ban hành.

Thủ tướng đã chỉ rõ hướng xử lý các dự án bất động sản không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III/2019; Đồng thời, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để trình các cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội: bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có khó khăn về nhà ở và khắc phục các tồn tại, bất cập khác cho phù hợp với tình hình thực tế; ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), hoàn thành trong quý III/2019.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải đôn đốc các tỉnh thành sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường BĐS, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư được yêu cầu tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, kịp thời phân bổ vốn cho phát triển loại hình nhà ở này.

Đối với Bộ Tài nguyên & Môi trường Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao, cho thuê đất, cấp sổ đỏ, quản lý, sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án đô thị, dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô sử dụng đất lớn hoặc dự án có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất...