10 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Tài chính trong năm 2016

PV.

Trong những năm tới, việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng với áp lực tăng chi lớn, việc cân đối NSNN khó khăn; bội chi NSNN vẫn phải duy trì ở mức cao, dư nợ công tăng nhanh..., đòi hỏi ngành Tài chính phải có giải pháp phù hợp để điều tiết.

Trụ sở Bộ Tài chính. Nguồn: internet
Trụ sở Bộ Tài chính. Nguồn: internet

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016, toàn ngành Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016, 10 nội dung chủ yếu sau:

Một, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII Kế hoạch Phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 của Quốc hội; xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020, bám sát các yêu cầu, mục tiêu, định hướng lớn đã đề ra trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, Chiến lược tài chính đến năm 2020; đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách; kiểm soát chặt chẽ và giảm nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Hai, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô: (i) Giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN; gắn kết đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, huy động vốn cho NSNN và điều hành ngân quỹ; (ii) Triển khai quyết liệt công tác huy động vốn, đa dạng hóa kỳ hạn TPCP phát hành (trong đó phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên khoảng trên 70%, còn lại là kỳ hạn từ 3 đến 5 năm). Phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước theo Nghị quyết của Quốc hội nếu điều kiện thuận lợi. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nợ của chính quyền địa phương theo hướng bền vững.

Ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Tiếp tục triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử. Phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để những cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn số giờ nộp thuế đi vào thực tế. Định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp.

Bốn, tập trung công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định: (i) Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới, đảm bảo không thấp hơn so với dự toán được giao. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế hoặc xử lý những vấn đề cấp bách, đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh; (ii) Theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thế giới, xây dựng các phương án, kịch bản diễn biến giá dầu thô và tính toán tác động đến cân đối NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu NSNN. Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; (iii) Tăng cường thanh tra, kiểm tra; chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế GTGT trong phạm vi dự toán được giao; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế.

Năm, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN: Phân bổ vốn đầu tư XDCB theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên tập trung bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi vốn ứng trước; phần còn lại mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục theo quy định và thực sự cấp bách; (ii) Các địa phương cần bố trí trả đủ (cả gốc và lãi) các khoản huy động đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật NSNN; các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản, chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long đến hạn phải trả trong năm 2016. Đảm bảo bố trí đủ vốn NSĐP cho các dự án, chương trình được NSTW hỗ trợ một phần; (iii) Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi thường xuyên; tiết kiệm triệt để ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đối với một số chức danh và địa bàn phù hợp. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế cán bộ công chức, viên chức trong năm 2016; (iiii) Các bộ, cơ quan Trung ương chủ động sắp xếp các nhiệm vụ chi để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,21 triệu đồng/tháng từ ngày 1/5/2016 và các chế độ, chính sách đã được quyết định. Các địa phương thực hiện cơ chế tạo nguồn tiền lương theo chế độ (bao gồm thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương). Đối với những địa phương nghèo, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà vẫn thiếu nguồn, NSTW hỗ trợ kinh phí thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2016; (iiiii) Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của mình để xử lý phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh; cân đối ngân sách trong trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán theo quy định.

Sáu, tăng cường công tác quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát: Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than, xăng dầu, sữa, dịch vụ công,...); công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.

Bảy, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành mục tiêu đã đề ra; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thiết lập hệ thống các nhà tạo lập thị trường TPCP; thúc đẩy đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện, nâng cao số lượng và chất lượng cung ứng dịch vụ công.

Tám, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Chín, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký kết.

Mười, điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2015: (i) Tập trung chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoạt động SX-KD trước và sau Tết diễn ra bình thường; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; kiểm soát giá cả trong dịp Tết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây biến động giá bất thường, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá, danh mục phải đăng ký giá và các mặt hàng quan trọng; (ii) Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; điều hành ngân sách trên địa bàn (bao gồm ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và xã) đảm bảo nguồn chi trả lương, các chính sách ASXH và các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2015. Chỉ xem xét, xử lý chuyển nguồn sang năm 2016 đối với những khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo quy định của pháp luật. Sử dụng nguồn tăng thu NSĐP năm 2015 theo đúng quy định; sau khi dành nguồn cải cách tiền lương theo quy định, được sử dụng để xử lý các nhu cầu cấp bách phát sinh, trong đó ưu tiên hoàn trả các khoản vay, xử lý nợ XDCB.

Việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 diễn ra trong bối cảnh nền KT-XH đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ công chức trong toàn ngành tài chính, chúng ta tin tưởng rằng nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao trong năm 2016 và 5 năm 2016-2020.