5 nội dung nâng tầm phương thức kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

PV.

Nhận định phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện đã phát sinh khá nhiều vướng mắc, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang phối hợp với các cơ quan liên quan sơ kết, đánh giá tổng quát tình hình, để từ đó có giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Triển khai mạnh mẽ cam kết của Chính phủ

Thực hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK (Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015).

Cùng với đó phối hợp với đơn vị chức năng liên quan thuộc bộ, ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành; chủ động trao đổi với các đơn vị chức năng thuộc Bộ quản lý chuyên ngành cùng xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện...

Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan):

Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành cũng cần phải chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến những quy định về kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

Quan trọng hơn là phải tự nâng cao tính tự giác, tuân thủ pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, tích cực phối hợp với cơ quan hải quan, cơ quan quản lý chuyên ngành để thực hiện.

Sau các đợt rà soát đều có văn bản báo cáo và kiến nghị thiết thực, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Nhờ đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã được đưa vào hoạt động kể từ tháng 9/2015; Thiết lập và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa XNK tại 8 địa bàn hải quan.

Đó là những địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK nhiều như: Cục Hải quan TP. Hải Phòng; Cục Hải quan TP. Hà Nội, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai và Chi cục Hải quan Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi.

Đánh giá sau một thời gian đưa vào vận hành thí điểm các địa điểm kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động này đã bộc lộ một số tồn tại và vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực, cơ sở hạ trang thiết bị máy móc còn thiếu và yếu...

Văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành mặc dù đã được ban hành khá nhiều (tính đến 30/6/2016, đã có 344 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành). Tuy nhiên, do phạm vi rộng, tiêu chuẩn và quy chuẩn chưa đầy đủ, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Trong khi đó, nguồn lực (bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị máy móc, phượng tiện làm việc) cho thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu lại hạn chế.

Một số đơn vị lại chưa thực sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra. Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường hàng không đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa.

Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa; hoặc được thực hiện tại kho bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp (DN), dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của DN.

Thay đổi căn bản phương thức kiểm tra chuyên ngành

“Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tổng quát hiệu quả, để có giải pháp khắc phục”, chia sẻ tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 16/8/2016, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính) cho hay:

Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở các tiêu chí và các yêu cầu cụ thể như sau:

Một là, thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung: (i) Áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin, đánh giá rủi ro); (ii) Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp đối với hàng hoá của từng DN; (iii) Chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan.

Hai là, minh bạch hoá quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung: (i) Minh bạch về Danh mục hàng hóa XNK thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành (Danh mục chi tiết kèm mã HS); (ii) Minh bạch về chế độ quản lý, hình thức kiểm tra, thời điểm kiểm tra;(iii) Minh bạch về chi phí kiểm tra kiểm tra chuyên ngành.

Ba là, hiện đại hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung: (i) Điện tử hóa thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả...) quản lý, kiểm tra chuyên ngành; (ii) Kết nối thủ tục giữa các cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra chuyên ngành.

Bốn là, đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế với các nội dung: (i) Chủ động áp dụng các kinh nghiệm tốt của các nước; (ii) Áp dụng công nhận lẫn nhau; (iii) Chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng…

Năm là, đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giữa DN với các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa XNK lớn tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa;

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK cho các đối tượng có liên quan. Sớm thành lập và đưa vào hoạt động Tổ Công tác liên ngành để triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng Cục Kiểm định hàng hóa XNK đủ năng lực triển khai (phân bón, đồ chơi bằng nhựa); trang bị phòng kiểm định di động (xe mobile lab) để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai).

Phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các khu vực có lưu lượng XNK hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...