60.000 tỷ đồng thu về NSNN từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

PV.

Đó là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tại buổi Họp báo chuyên đề “Giới thiệu chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017; Tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020” do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 25/12/2017.

60.000 tỷ đồng thu về NSNN từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước  - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi Họp báo.

Bước chuyển lớn trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tại buổi Họp báo, ông Đặng Quyết Tiến đã thông tin về tình hình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2017. Cụ thể, tính đến ngày 20/12/2017, cả nước đã có 45 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế DN là 213.747 tỷ đồng (gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các DN đã cổ phần hóa trong năm 2016), giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 88.390 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn nhà nước của các DN đã cổ phần hóa năm 2016); Tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng.

Công tác thoái vốn nhà nước tại các DN cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể trong năm 2017 đã có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.

Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, số lượng DN thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều nhưng DN cổ phần hóa đều có quy mô vốn lớn (lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2017 đã đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 60.000 tỷ đồng theo Nghị quyết được Quốc hội giao.

Để có được những kết quả tích cực trên, theo ông Đặng Quyết Tiến, trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính đối với DNNN; Tích cực đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra.

60.000 tỷ đồng thu về NSNN từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước  - Ảnh 2
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi Họp báo.

Trong năm 2017, nhiều cơ chế chính sách quan trọng phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như: Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020"; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần... Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý này đã giải quyết các tồn tại về cơ chế chính sách cổ phần hóa trong giai đoạn trước, đồng thời tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới diễn ra mạnh mẽ hơn. 

Giải pháp trọng tâm cho giai đoạn tới

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, rà soát các luật có liên quan như Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Bộ luật Lao động và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới.

Hai là, cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DNcổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, xác định thời điểm xác định giá trị DN, công bố giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Ba là, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Nghiêm túc triển khai việc bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Bốn là, tăng cường vai trò giám sát đối với DN; Cơ quan giám sát, DN cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi  tham gia đầu tư cùng DN.

Năm là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; Kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn...