70 năm ngành Tài chính Hải Dương - Một chặng đường vẻ vang

Nguyễn Trọng Hưng

Trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành tài chính tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong những năm qua, nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục của Hải Dương liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước.
Trong những năm qua, nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục của Hải Dương liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước.

Vượt lên khó khăn

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chính phủ lâm thời gặp vô vàn khó khăn. Ngân khố quốc gia lúc đó chỉ còn vỏn vẹn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương. Trước tình thế đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách, chế độ tài chính để động viên nhân dân tự nguyện đóng góp, giúp Chính phủ có tiền chi tiêu. Trong thời kỳ đầu của chế độ mới, ngành tài chính Hải Dương đã đồng hành cùng với Chính phủ vượt qua khó khăn, thiếu thốn.

Ngay trong “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động tháng 9-1945, các huyện trong tỉnh đã góp được 216 lạng vàng, 711 lạng bạc, 5 tấn đồng và 33 vạn đồng tiền Đông Dương... Số tiền mà các tầng lớp nhân dân quyên góp đã giúp chính quyền giải quyết chi được nhiều việc cấp bách, góp phần củng cố chính quyền trong thời kỳ non trẻ.

Về tổ chức của ngành tài chính Hải Dương, năm 1947, tỉnh thành lập Ty Kinh tài. Đến năm 1951, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh thành lập Ty Tài chính. Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, công tác tài chính tập trung vào việc bảo đảm thu để chi cho các nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, bình ổn vật giá, khuyến khích sản xuất phát triển.

Năm 1960, Chi sở Thuế vụ được sáp nhập vào Ty Tài chính. Từ đây, Ty Tài chính có nhiệm vụ chỉ đạo việc thu thuế công thương trên địa bàn tỉnh. Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, dùng không quân đánh phá miền Bắc, công tác tài chính lúc này vừa phải tăng cường huy động mọi nguồn lực phục vụ chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa phải hướng vào các nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Đến năm 1966, Phòng Vật giá được nâng cấp thành Ủy ban Vật giá tỉnh.

Năm 1968, 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Lúc này, nguồn thu trên địa bàn còn rất hạn chế, chỉ đạt trên 50 triệu đồng/năm. Nhiệm vụ tài chính lại rất nặng nề khi phải bảo đảm chi cho 2 nhiệm vụ chiến lược: vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Ngành tài chính Hải Dương giai đoạn này đã tập trung thực hiện tốt phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".

Giai đoạn từ 1976-1985, Nhà nước sửa đổi chính sách thuế nông nghiệp, sửa đổi tỷ lệ điều tiết các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN). Năm 1982, Ty Tài chính được đổi tên thành Sở Tài chính, tập trung vào công tác cải tiến quản lý kinh tế, xóa bỏ quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế phân phối theo lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp. Giai đoạn 1986-996, nhiều biến động lớn làm ảnh hưởng đến tình hình quản lý tài chính ngân sách.

Những sai lầm nghiêm trọng trong việc thực hiện tổng điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1985 đã đẩy nền kinh tế nước ta vào thời kỳ khủng hoảng chưa từng có. Trong giai đoạn này, tổ chức ngành tài chính có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 1988, Ủy ban Vật giá sáp nhập vào Sở Tài chính, thành lập Sở Tài chính - Vật giá tỉnh. Năm 1990 thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN); hệ thống ngành thuế từ tỉnh đến các huyện, thị xã cũng được thành lập và kiện toàn.

Cùng cả nước đổi mới

Năm 1997, tỉnh Hải Dương được tái lập. Nhiệm vụ của ngành tài chính trong giai đoạn này là nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nuôi dưỡng và phát triển các nguồn thu, bố trí chi ngân sách một cách hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển. Số thu ngân sách giai đoạn này tăng nhanh.

Năm 2005, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.824 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 1997. Giai đoạn từ 2005 - 2010, kinh tế của tỉnh duy trì được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 9,7%/năm. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt bình quân từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Cơ cấu phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính trong giai đoạn này đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm bao cấp từ ngân sách, tăng dần tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc.

Giai đoạn từ 2011 - 2015, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, năm 2012 do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước bị đình trệ, sức mua thị trường giảm, thị trường bất động sản đóng băng, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp... tác động lớn đến việc thực hiện dự toán thu ngân sách.

Năm 2012, NSNN hụt thu gần 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng chi ngân sách địa phương. Trước tình hình đó, ngành tài chính đã phối hợp với các sở, ngành liên quan chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh áp dụng hàng loạt các biện pháp chống thất thu ngân sách, sắp xếp, tiết kiệm chi và tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương.

Vì vậy, mặc dù hụt thu lớn, nhưng UBND tỉnh vẫn điều hành bảo đảm các nhiệm vụ chi thường xuyên, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tính chung trong giai đoạn 2011 - 2015, thu, chi ngân sách đã đạt mức khá, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Tổng thu NSNN trên địa bàn bình quân đạt 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó thu nội địa đạt bình quân 5.800 tỷ đồng/năm. Về thực hiện các mục tiêu của tỉnh, ngành tài chính đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu giúp tỉnh tập trung bố trí vốn để hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa...

Tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tham mưu hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn làm cho diện mạo các vùng quê đổi thay rõ rệt. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ NSNN đã tạo động lực lớn thu hút mọi nguồn vốn xã hội hóa trong dân để tập trung đầu tư phát triển khu vực nông thôn, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Từ ngày thành lập đến nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành tài chính tỉnh Hải Dương không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Ngành đã thường xuyên tổ chức phát động và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan trong hệ thống tài chính nhiều năm liên tục được nhận bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tài chính, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh. Đảng bộ và cơ quan nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Nhiều đơn vị trong hệ thống tài chính vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập.

Ngành tài chính đạt được những thành tích trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và các địa phương trong tỉnh; sự nỗ lực cố gắng học tập, lao động của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức toàn ngành trong suốt 70 năm qua. Đây là những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp ngành tài chính tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.