8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020

PV.

Triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 21/3/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ban hành Quyết định số 365/QĐ-BTC về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Việc ban hành Quyết định nhằm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao; Khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, thực hiện tôt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, Bộ Tài chính đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Cụ thể gồm:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN;

Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; Hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ;

Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ;

Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng;

Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội;

Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN;

Nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện và pháp luật Việt Nam; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTN.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Tài chính phải chủ động, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong PCTN; Luôn xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Phải cam kết về sự liêm khiết, gương mẫu; Mạnh dạn phê bình, tự phê bình và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Các cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kê hoạch này và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện vào báo cáo công tác PCTN theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm, gửi về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ Tài chính) để tổng hợp chung, trình Lãnh đạo Bộ. Trong quá trình thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Bộ (qua Thanh tra Bộ), để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; Nghiên cứu đề xuất với Lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện các giải pháp đê nâng cao hiệu quả công tác PCTN của Bộ Tài chính; Tổng hợp và xây dựng báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác PCTN đến năm 2020, gửi Thanh tra Chính phủ theo quy định.