9 tháng, thanh tra chuyên ngành Kho bạc đạt 86,3% kế hoạch

PV.

Trong 9 tháng năm 2016, toàn hệ thống Kho bạc đã triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành được 246/285 cuộc đạt 86,3% kế hoạch, kiểm tra nội bộ thực hiện được 803/990 cuộc, đạt 81,1% kế hoạch.

Trong 9 tháng năm 2016, toàn hệ thống Kho bạc đã triển khai thanh tra chuyên ngành được 246/285 cuộc đạt 86,3% kế hoạch. Nguồn: internet
Trong 9 tháng năm 2016, toàn hệ thống Kho bạc đã triển khai thanh tra chuyên ngành được 246/285 cuộc đạt 86,3% kế hoạch. Nguồn: internet

Phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 218 triệu đồng

Trong 9 tháng năm 2016, toàn hệ thống Kho bạc đã triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành và kiểm tra nội bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó thanh tra chuyên ngành thực hiện được 246/285 cuộc đạt 86,3% kế hoạch, kiểm tra nội bộ thực hiện được 803/990 cuộc, đạt 81,1% kế hoạch.

Theo kế hoạch kiểm tra về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra nội bộ Kho bạc Nhà nước các cấp đã được lập tại 43 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố, 9 tháng năm 2016, đã thực hiện kiểm tra 261/277 cuộc, đạt tỷ lệ 94,2%. 

Tại Kho bạc Nhà nước và 20 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố còn lại không có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị do các đơn vị Kho bạc Nhà nước trực thuộc được kiểm tra đã khắc phục kịp thời và báo cáo, thuyết minh đầy đủ gửi Kho bạc Nhà nước cấp trên.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền là hơn 218 triệu đồng, đã thực hiện thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 159 triệu đồng (đạt 73%). Bên cạnh đó, ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm. 

Chú trọng công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra giúp tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bên cạnh nhiệm vụ kiểm tra nội bộ trong hệ thống, từ năm 2016, thanh tra chuyên ngành Kho bạc được triển khai diện rộng trên toàn hệ thống. 

Trước đó, từ năm 2015, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tổ chức triển khai thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành nhằm góp phần nâng hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, chống thất thoát, lãng phí. Tuy gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Theo đó, trong quá trình thí điểm, việc triển khai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước còn khó nhận diện. Việc áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ còn lúng túng; Chưa xác định được ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, ngày phải khắc phục sau biện pháp khắc phục hậu quả.

Tại một số tỉnh, việc bố trí sắp xếp công chức tại phòng thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Có những đơn vị, số lượng công chức tại phòng thanh tra chỉ đủ để kiểm tra nội bộ, thậm chí cá biệt có những Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ có 2 hoặc 3 công chức bố trí tại phòng thanh tra. 

Bên cạnh đó, hiện nay các loại hình đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước rất đa dạng, đặt ra yêu cầu công chức làm công tác thanh tra phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu các quy định của pháp luật, có đầy đủ hệ thống các văn bản của nhà nước, bộ, ngành, địa phương làm căn cứ thực hiện...

Vượt qua khó khăn, thách thức trên, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã triển khai thí điểm năm 2015 và thực hiện chính thức công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong năm 2016 một cách hiệu quả.

Nội dung kiểm tra chủ yếu là việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra trong lĩnh vực kế toán ngân sách nhà nước; Công tác kế toán tài chính, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành; Công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước bao gồm kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhìn chung, các kiến nghị sau kết luận thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. Đối với hồ sơ kiểm tra, thanh tra có các kết luận, kiến nghị chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện triệt để thì tiếp tục đôn đốc các đối tượng thực hiện kết luận, kiến nghị. Công tác xử lý và chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Việc đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra của hệ thống Kho bạc Nhà nước giữ vai trò quan trọng, giúp tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, chấp hành tốt các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.