ASEAN: Hướng tới sự ổn định, toàn diện và hội nhập tài chính

Theo mof.gov.vn

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 (AFMM 20) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 2 (AFCGM 2), được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào (03-04/4/2016), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về kết quả Hội nghị, cũng như các mục tiêu của khối ASEAN trong hội nhập và hợp tác tài chính trong 10 năm tới.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết về những kết quả đạt được của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần này và đóng góp của Việt Nam tại hội nghị?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Như chúng ta đã biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thành lập vào tháng 12/2015. Do vậy, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN năm 2016 là năm đầu tiên triển khai các công việc của Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực tài chính.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã trao đổi nhiều nội dung về hợp tác tài chính khu vực. Một số kết quả đạt được của hội nghị như sau:

Một là, các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định tái cơ cấu nền kinh tế sẽ vẫn là ưu tiên của khu vực và nhất trí tăng cường hợp tác và triển khai các sáng kiến hội nhập để duy trì sự phát triển ổn định của khu vực ASEAN trước những biến động của thị trường tài chính.

Hai là, các nước ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong việc giám sát kinh tế tài chính để ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng khu vực.

Ba là, các nước đã kết thúc đàm phán Gói cam kết 7 về Tự do hóa dịch vụ tài chính tiến tới ký kết trong năm 2016, trong đó 8 nước ASEAN đã tự do hóa hoàn toàn phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không và quá cảnh, tiếp tục hỗ trợ cho thương mại nội khối. Các nước cũng nhất trí khởi động vòng đàm phán 8 trong năm 2016 để mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ tài chính.

Bốn là, các nước đã hoàn tất việc ký kết Nghị định Thư về Khung Pháp lý để áp dụng triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa hoạt động thương mại hàng hóa trong khu vực ASEAN. Theo đó, các nước thành viên ASEAN cam kết tích cực triển khai Dự án thí điểm Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa quốc gia.

Năm là, các nước đã khởi động thảo luận về vấn đề đảm bảo nguồn thu và chống chuyển giá nhằm củng cố tài khóa.

Cuối cùng, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã trao đổi về Kế hoạch hành động chiến lược hội nhập tài chính ASEAN tầm nhìn 2025. Đây sẽ là tài liệu cơ sở để định hướng hoạt động hội nhập và hợp tác tài chính ASEAN trong 10 năm tới nhằm hướng tới sự ổn định, toàn diện và hội nhập tài chính.

Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào kết quả của hội nghị với tư cách là một nước thành viên của ASEAN.

Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc nền kinh tế trong các nước thành viên ASEAN, vì sao vấn đề này lại được ưu tiên số một trong khối ASEAN, và tại Việt Nam đã được triển khai như thế nào?

Tái cơ cấu là ưu tiên hàng đầu của các nước thành viên ASEAN, và đây là ưu tiên số một đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các nước thành viên cũng như là của cả khối ASEAN. Việt Nam chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu và đến hết năm 2015 có thể nói là chúng ta đã thực hiện được một bước, và bước đầu có kết quả. Đặc biệt là tái cơ cấu về đầu tư, đầu tư công tái cơ cấu về hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu về hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện được một bước và điều này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó giúp cho việc nâng cao hiệu quả và năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Xin Bộ trưởng cho biết một số vấn đề liên quan đến triển khai cơ chế một cửa ASEAN, và các Bộ trưởng đã thống nhất đẩy mạnh chính sách một cửa ASEAN trong đó có lĩnh vực hải quan mang lại những lợi ích gì cho các nước ASEAN?

Cơ chế một cửa ASEAN gồm rất nhiều việc kể cả các hoạt động xuyên biên giới, trong đó hải quan là một lĩnh vực, còn những nghiệp vụ như thanh toán điện tử, như chứng khoán, tiền tệ. Đây là những khâu rất quan trọng và đây là đòi hỏi sự cố gắng, sự nỗ lực rất cao của các nước ASEAN và của từng nước nói riêng bởi lẽ mặt bằng của chúng ta về cơ sở hạ tầng của từng nước còn đang có những sự chênh lệch nhất định.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!