Về tăng mức thu phí các dự án BOT giao thông:

Bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân

Theo nhandan.com.vn

Một số ý kiến cho rằng, phí đường bộ đối với dự án BOT giao thông do Bộ Tài chính đưa ra quá cao, và mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất lùi thời hạn tăng phí đối với một số trạm thu phí BOT nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận…, gây nên nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ý kiến với Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Thưa Thứ trưởng, về việc một số trạm BOT được điều chỉnh tăng mức thu phí kể từ ngày 1/1/2016, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Xin đồng chí cho biết quan điểm của Bộ Tài chính?

 Bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân  - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đã đặt ra yêu cầu phải thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư; mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền... để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT...

Theo đó, điều cần khẳng định trước hết là các dự án đầu tư hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT và các hình thức kêu gọi đầu tư khác chính là việc hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong thực tế triển khai, trước năm 2014, mức thu phí hoàn vốn các trạm thu phí BOT thực hiện theo quy định tối đa không quá hai lần mức thu cơ bản (là mức thu đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước – NSNN).

Tuy nhiên, trong khi mức điều chỉnh chi phí xây dựng các dự án hạ tầng đường bộ ngày càng cao nhưng mức thu phí không được điều chỉnh đã gây nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư các dự án. Chính vì vậy, từ năm 2004 đến năm 2013, chúng ta thu hút được rất ít nhà đầu tư dự án BOT.

Để khuyến khích thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ GTVT sửa đổi các quy định trên theo hướng điều chỉnh tăng mức thu theo lộ trình, theo đó, đến năm 2016 phải đạt 3,5 lần mức cơ bản. Đó là lý do mà từ năm 2013, trên cơ sở mức thu Bộ GTVT đề xuất; sau khi được sự đồng ý của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 thay thế Thông tư số 90/2004/TT-BTC.

Trong văn bản này, đã quy định rõ lộ trình điều chỉnh mức thu phí cho từng năm 2014, 2015, 2016. Với những căn cứ trên, Bộ Tài chính khẳng định quan điểm tuân thủ theo quy định của pháp luật trong mọi hoạt động nói chung, trong vấn đề quy định mức thu phí đường bộ các dự án BOT nói riêng, theo đúng lộ trình đã được các bộ, các ngành, các địa phương đồng thuận và đề xuất, không phải là đề xuất riêng của Bộ Tài chính.

Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cho phép tăng mức thu phí của các trạm BOT nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư dự án BOT. Điều này có đúng không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Trước hết, phải khẳng định là việc ban hành một thông tư quy định mức thu phí phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (soạn thảo thông tư, gửi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương liên quan; đăng tải trên trang thông tin điện tử để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân,...) và căn cứ quy định pháp luật về phí, lệ phí cũng như đề xuất của Bộ GTVT. Phải đủ các căn cứ đó, Bộ Tài chính mới xây dựng và ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn từng dự án.

Với các dự án BOT, theo quy định pháp luật phí và lệ phí, phí sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Còn theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, PPP,... thì các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh.

Như vậy, các dự án BOT giao thông trên quốc lộ đều được Bộ GTVT quyết định, từ việc xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố; ký kết hợp đồng; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh; xây dựng phương án tài chính, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án.

Trong thực tế, mỗi dự án có điều kiện khác nhau, độ dài đoạn đường xây dựng, địa điểm xây dựng, cấp độ đường xây dựng dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án khác nhau, lưu lượng phương tiện qua lại của từng dự án khác nhau,...

Căn cứ vào tổng mức đầu tư từng dự án, địa điểm đặt trạm, lưu lượng phương tiện qua trạm, dự kiến lưu lượng phương tiện tăng trong những năm tiếp theo, Bộ GTVT phối hợp các bộ tính toán và xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án.

Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư về phương án triển khai dự án; lập hồ sơ, thủ tục xin cấp phép đầu tư và ký kết hợp đồng BOT dự án theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét. Cuối cùng, sau khi xem xét, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án (trong đó, đề xuất cụ thể: mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí,...).

Rõ ràng, chỉ khi dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và Hợp đồng BOT mà Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư (mức thu phí hoàn vốn và thời gian thu phí hoàn vốn) thì Bộ Tài chính mới thống nhất với Bộ GTVT để ban hành Thông tư quy định mức thu phí từng dự án phù hợp với quy định hiện hành.

Do đó, Bộ Tài chính không chỉ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư mà còn phải cân nhắc kỹ càng, tính toán cụ thể đến việc bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thực tế cho thấy, với chính sách nêu trên, trong năm 2013-2014, chúng ta đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ, và Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư (trong đó cam kết cụ thể về mức thu, lộ trình điều chỉnh mức thu phí, thời gian hoàn vốn đầu tư). Như vậy, việc quy định thu phí hoàn vốn các dự án đầu tư là phù hợp và cần thiết, và một số trạm thu phí có mức thu được điều chỉnh tăng theo đúng lộ trình quy định.

Bộ GTVT đã có công văn đề nghị lùi thời hạn tăng mức thu phí của một số trạm đến ngày 1/6/2016 thay vì từ ngày 1/1/2016. Tại sao Bộ Tài chính chưa đồng tình với đề nghị của Bộ GTVT?

Ngày 30/12/2015, Bộ Tài chính mới nhận được Công văn số 17178/BGTVT-TC ngày 25/12/2015 của Bộ GTVT đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn 23 dự án BOT (có lộ trình tăng phí kể từ ngày 1/1/2016) đến ngày 1/6/2016 (lùi thời gian thực hiện 5 tháng). Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Bộ GTVT, trong đó nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Trước hết, do hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ GTVT chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí của 23 trạm, trong khi đó vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn bảy dự án sắp hoàn thành, với mức thu gấp 3,5 lần mức thu cơ bản. Điều này dễ dẫn tới sự thiếu đồng nhất trong chính các dự án BOT mà chưa nêu được căn cứ có tính thuyết phục.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thẳng thắn nhận thấy, đề nghị của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phá vỡ cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT mà Nhà nước đã ký.

Hơn thế, trong một ngày thì không cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quyết định ban hành ngay một thông tư lùi thời hạn từ ngày 1/1/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Căn cứ các quan điểm trên, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án (mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân,...).

Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính phù hợp của chính sách; hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, việc đề xuất thời điểm áp dụng cần tính đến thời gian cho việc thực hiện điều chỉnh văn bản, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cũng như thời gian để các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục (công khai mức thu phí; thời gian áp dụng; in, phát hành vé thu phí,...) trước khi triển khai áp dụng chính sách mới.

Bộ Tài chính cho rằng, với các đề xuất nêu trên, cả hai bộ đều cần sự đánh giá toàn diện chính sách để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư, tôn trọng cam kết với nhà đầu tư, ổn định tâm lý của nhà đầu tư và môi trường đầu tư ở Việt Nam, đồng thời tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của tổ chức, cá nhân để trao đổi với Bộ GTVT, nghiên cứu điều chỉnh chính sách nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!