Bình ổn giá không sử dụng ngân sách Nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chiều 22/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. PTT

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: noichinh.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: noichinh.vn

98% vốn vay sử dụng cho dự án hạ tầng

Một trong các vấn được báo cáo là về lĩnh vực tài chính. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chống thất thu NSNN, chống chuyển giá. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính, trong đó phấn đấu bội chi NSNN đến năm 2020 không quá 4% GDP.Việc điều hành chính sách tài khóa phù hợp với khả năng huy động và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế tạo nguồn thu NSNN ổn định, bền vững.

Việc điều hành vay và trả nợ đã thực hiện đúng theo Nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ hàng năm; ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Các chỉ tiêu nợ công so với GDP trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép; tăng tỷ trọng nợ vay trong nước.

Huy động và sử dụng nợ công chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào NSNN chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Quản lý chặt chẽ nợ vay nước ngoài

Các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với hình thức cho vay lại.

Chính phủ đã tăng cường quản lý để bảo đảm các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, nhất là đối với việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp (DN), tổ chức tín dụng; chủ động kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN năm 2014 khoảng 13,8%, năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (quy định không quá 25%). Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn; việc đảo nợ không làm tăng tổng số nợ công, phù hợp với Luật quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, cân đối NSNN còn khó khăn, cơ cấu thu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi ngân sách còn cao tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn an toàn theo quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Bình ổn giá không sử dụng ngân sách Nhà nước

Đối với việc bình ổn thị trường, giá cả, thời gian qua giá điện, xăng dầu, than đã từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường và bảo đảm yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, gắn liền với chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN, nhất là trong các dịp lễ, Tết; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về thị trường, giá cả.

Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), báo cáo của Chính phủ cho biết cơ chế chính sách, pháp luật đối với DNNN tiếp tục được hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý để DNNN hoạt động bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác; làm rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của chủ sở hữu và công khai, minh bạch trong hoạt động của DN. Giai đoạn 2011 - 2013 đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Mục tiêu giai đoạn 2014 - 2015 sẽ cổ phần hóa 432 DN, tới nay đã cổ phần hóa được 248 DN.

Đánh giá về lĩnh vực tài chính, báo cáo của Đoàn thư ký tổng hợp từ ý kiến của cácỦy ban cũng cho biết, nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực này đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Cụ thể là việc triển khai thực hiện Luật giá; thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác. Chương trình bình ổn giá đã có một số đổi mới tích cực, như chuyển sang sử dụng vốn của doanh nghiệp để bình ổn giá, theo dõi sát giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh…

Đối với công tác ngân sách, báo cáo của cácỦy ban đánh giá Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu NSNN; hầu hết các địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ chống thất thu giúp số thuế nợ đọng ngày một giảm. Công tác quản lý, thu thuế ngày càng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước với lãi suất huy động có xu hướng giảm dần. Từ năm 2014, Chính phủ đã chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ, phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế.