Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 19

PV.

Là một trong những bộ, ngành tiên phong trong công tác cải cách hành chính, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-BTC Kế hoạch hành động để triển khai mạnh mẽ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Tài chính khẳng định, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ Tài chính khẳng định, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh.

Quán triệt những mục tiêu đặt ra đối với ngành Tài chính

Quán triệt nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 19 của Chính phủ, Bộ Tài chính quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra đối với ngành là: Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ, bảo hiểm 49 giờ); cải thiện vị trí xếp hạng về thuế theo đánh giá của Ngân hàng thế giới từ 167 lên 82. Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới theo đánh giá của Ngân hàng thế giới từ 93 lên 60.

Đặc biệt là cải thiện điểm số và chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia; chỉ số về nợ công và thị trường chứng khoán để đảm bảo ổn định thị trường tài chính.

Bộ Tài chính khẳng định, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; Phấn đấu đến hết 2017, các dịch vụ công của Bộ Tài chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3-4.

Hoạch định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Bộ Tài chính đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính đề ra 13 nhóm nhiệm vụ với 36 giải pháp gắn với 57 sản phẩm đầu ra, cụ thể: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN;... Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, phấn đấu đến cuối năm 2017, bảo đảm 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 và 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Trong lĩnh vực Thuế, Bộ Tài chính nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 20 giải pháp và 31 sản phẩm đầu ra, gồm: Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; Rà soát sửa đổi, bổ sung Quy trình nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến người nộp thuế; Thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, giải quyết khiếu nại theo mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; Tổ chức bộ máy và nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý thuế; Tiếp tục triển khai mở rộng khai và nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS; Thí điểm về khai và nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy...

Theo đó, đối với lĩnh vực thuế, trong năm 2017 trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hành động nhằm đạt được các chỉ tiêu như: 95% doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đạt cấp độ 4; Phấn đấu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin đạt 95% doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế điện tử đạt cấp độ 4; Đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra; Thực hiện kiểm tra hoàn thuế theo quy định để đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo đúng quy định; Công khai các bước giải quyết và kết quả giải quyết hoàn thuế trên trang thông tin điện tử ngành thuế; 100% hồ sơ khiếu nại khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định.

Trong lĩnh vực quản lý nợ công: Tiếp tục thực hiện các Đề án, chương trình, chiến lược về quản lý nợ công đã được phê duyệt, đảm bảo nợ công không quá 65 % GDP, dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP; Tiếp tục tái cấu trúc lại nợ công; Cải thiện chỉ số xếp hạng về nợ công của Việt Nam.