Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Minh Hà

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra sáng ngày 17/5/2017 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ngày 17/5/2017. Ảnh: Văn Trường
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ngày 17/5/2017. Ảnh: Văn Trường
Cụ thể hóa các nghị quyết bằng chương trình hành động
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động để thống nhất thực hiện trong toàn ngành Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động đến năm 2020 với 34 giải pháp cụ thể được chi tiết thành 46 sản phẩm đầu ra. Năm 2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành 29 sản phẩm đầu ra thuộc nhiệm vụ của năm, đạt 100% kế hoạch. Đây là những nội dung nhằm đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN, cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi cho DN.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động với 83 giải pháp được chi tiết thành 118 sản phẩm đầu ra và trong năm 2016 đã hoàn thành 83 sản phẩm thuộc nghiệp vụ của năm.

Năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ với 87 giải pháp được cụ thể hóa thành 175 nhiệm vụ sản phẩm đầu ra. Trong đó, tập trung cải cách đồng bộ, toàn diện hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính, đổi mới phương thức từ tiền kiềm sang hậu kiểm gắn với hiện đại hóa quản lý nhất là lĩnh vực thuế và hải quan.

Liên quan đến vấn đề  cải cách thể chế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền 454 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 2 luật, 2 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 52 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 376 thông tư.

Trong đó, riêng lĩnh vực thuế và hải quan đã có 257 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành gồm 2 luật, 01 nghị quyết của Quốc hội, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 31 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 215 Thông tư của Bộ Tài chính.

Các văn bản trên đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế; tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn lực, mở rộng cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN…

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong năm qua, các kiến nghị của DN được tổng hợp bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), Diễn đàn DN Việt Nam và các hiệp hội DN đã được Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết và trả lời kịp thời. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và đã được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức và phối hợp với VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn DN Việt Nam và Hiệp hội các DN, ngành nghề để tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với DN trên phạm vi cả nước. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, cơ quan thuế và cơ quan hải quan địa phương thực hiện đối thoại thường xuyên với các DN trong và ngoài nước, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2016, trên phạm vi cả nước, cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp đã tổ chức trên 1.000 hội nghị đối thoại về thuế và hải quan với cộng đồng DN. Bộ Tài chính, cơ quan thuế,  cơ quan hải quan đã tiếp nhận, xử lý trên 20.000 văn bản để giải quyết trả lời kiến nghị của DN được tổng hợp từ nhiều kênh thông tin như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính… Trong đó, cơ quan thuế đã trả lời 17.500 kiến nghị của DN, cơ quan hải quan là trên 2.500 kiến nghị.

Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính cũng được Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai như trong các lĩnh vực về tài chính đất đai, cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, quản lý thị trường giá cả, thị trường huy động vốn. Từ đó, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Phát huy những kết quả và nỗ lực đã đạt được, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính trên toàn quốc và trong nội ngành, cầu thị lắng nghe ý kiến của DN để hoàn thiện chính sách về tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trả lời 43 kiến nghị của DN liên quan đến lĩnh vực tài chính đã được Bộ Tài chính nghiên cứu trả lời và gửi tới VCCI tổng hợp gửi tới DN.

“Bộ Tài chính cam kết tiếp tục cầu thị, lắng nghe đồng hành cùng DN và mong muốn DN tuân thủ pháp luật về thuế, hải quan, chủ động vươn lên phát triển bền vững”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.