Bộ Tài chính điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả và linh hoạt

Phùng Tuấn

(Tài chính) Trong 9 tháng đầu năm, dù bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn chưa hết những khó khăn, thách thức, song toàn Bộ Tài chính đã nỗ lực vượt khó, chủ động tổ chức điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, hiệu quả và linh hoạt.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 498.490 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: thu nội địa đạt 63,8% dự toán, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2011; thu về dầu thô đạt 99,6% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2011; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 58,9% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, tổng chi cân đối NSNN ước đạt 643.210 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 71,1% dự toán, tăng 5,0% so với cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ ước đạt 74,4% dự toán, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2011; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quản lý hành chính (bao gồm chi cải cách tiền lương) ước đạt 73,3% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2011... đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính, chi trả nợ, chi cải cách tiền lương và có tính chất tiền lương, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai. Đến hết 9 tháng, vốn đầu tư từ NSNN giải ngân đạt khoảng 71% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 67% kế hoạch.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, số thu NSNN 9 tháng năm nay có chậm hơn so với tiến độ thực hiện cùng kỳ một số năm gần đây cũng là điều dễ hiểu. Không quá khó để chỉ ra các nguyên nhân: tác động không thuận từ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, hoạt động trầm lắng của thị trường tài chính và bất động sản… Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, khơi thông thị trường, Bộ Tài chính đã phải thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế, khiến nguồn thu bị sụt giảm đáng kể.

Để vượt qua những khó khăn và đạt được kết quả tương đối khả quan như vậy, trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tổ chức thanh tra chuyên đề về thu, quản lý và sử dụng phí và lệ phí; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế... Thực hiện việc rà soát, nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền các văn bản hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh chính sách về thuế, phí và chế độ thu phù hợp với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và cam kết hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế; triển khai thí điểm việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch là người nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam khi xuất cảnh...  

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức điều hành chi NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chi cho các sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, đảm bảo xã hội; thực hiện tăng lương tối thiểu chung và tăng phụ cấp công vụ theo đúng quy định từ ngày 1/5/2012. Nhanh chóng tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), đồng thời tăng cường công tác kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước. Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 39.800 khoản chi của 18.400 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; xử lý tạm dừng chưa thanh toán trên 446 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 9/2012, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN những tháng cuối năm 2012, trong đó:

(1) Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp lớn, cửa khẩu quan trọng.... để đôn đốc thu kịp thời vào NSNN các khoản thu phát sinh, các khoản truy thu, nộp phạt qua kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

(2) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương, đồng thời tổ chức họp với các Bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc;

(3) Thực hiện tăng tiến độ bổ sung từ NSTW cho một số địa phương (Hải Dương, Quảng Nam, Bình Phước, Vĩnh Long...) có khó khăn trong cân đối NSĐP để đảm bảo các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2012.

Với hàng loạt thách thức như vậy, có thể khẳng định việc điều hành NSNN của Bộ Tài chính trong 9 tháng đầu năm được thực hiện chủ động, công tác quản lý thu, chi ngân sách được tăng cường, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.