Bộ Tài chính "dồn sức" quản lý giá cả, ổn định thị trường

PV.

(Tài chính) Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường.

Nhờ nỗ lực của Bộ Tài chính, thị trường đã không xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
Nhờ nỗ lực của Bộ Tài chính, thị trường đã không xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
Trong 9 tháng năm 2012, công tác quản lý giá cả, ổn định thị trường đã đạt nhiều kết quả. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón...; quy định chi tiết việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá.

Trong kết quả đáng khen ngợi đó phải kể đến thành công của Bộ Tài chính trong việc tăng cường quản lý, giám sát và bình ổn giá sữa. Theo đó, nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ  đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012, góp phần kiềm chế lạm phát dưới 10% và bình ổn giá sữa, từ đầu năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 6 văn bản liên quan đến giá sữa. Cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, kể từ tháng 4/2012 đến nay chưa có đơn vị nào đăng ký tăng giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Để các tháng cuối năm giá sữa tiếp tục giữ được ổn định, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần tiếp tục thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa; giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của đơn vị.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với Bộ, ngành chức năng thực hiện điều chỉnh một bước giá bán đối với các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp, như: giá bán lẻ xăng dầu, giá than, giá nước sạch... Riêng về giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường thế giới; tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; sử dụng linh hoạt công cụ thuế để điều hành giá xăng dầu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành văn bản 9794/BTC-QLG ngày 20/7/2012 về việc điều hành giá xăng dầu, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá đã đăng ký để quy định giá bán xăng dầu. Đồng thời, căn cứ vào biến động của thị trường dầu thế giới, đã phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện việc điều chỉnh giá vào thời điểm phù hợp, đảm bảo hài hào lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Riêng trong tháng 9/2012, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương ban hành Công văn số 12287/BTC-QLG ngày 11/9/2012 yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không tăng giá, giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành; đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, nhà nước điều chỉnh giảm 2% thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu, cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo mức 500 đồng/lít, kg đối với các mặt hàng xăng dầu và tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng (xăng, dầu, điện, than, một số dịch vụ công..,,) trong thời gian còn lại của năm 2012 và cả năm 2013 để chủ động trong thực hiện.