Bộ Tài chính đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong thi hành pháp luật tài chính

PV.

Ngày 11/8/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1572/QĐ-BTC về Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật Tài chính năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với chủ đề "Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp", Bộ Tài chính đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức ngành Tài chính về nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).

Theo Quyết định số 1572/QĐ-BTC, việc tổ chức Ngày Pháp luật Tài chính năm 2017 được tiến hành từ ngày 15/8/2017 đến ngày 15/9/2017; Tuần lễ cao điểm thực hiện các hoạt động từ ngày 24/8/2017 đến ngày 31/8/2017 trong khi Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tiến hành từ ngày 16/9/2017 đến ngày 30/11/2017; Tuần lễ cao điểm thực hiện các hoạt động từ ngày 06/11/2017 đến ngày 11/11/2017.

Đặc biệt, trong tuần lễ cao điểm từ ngày 06/11/2017 đến ngày 11/11/2017, sẽ thực hiện tuyên truyền theo khẩu hiệu “Cán bộ, công chức viên chức ngành Tài chính tích cực, chủ động cải cách và hoàn thiện thể chế tài chính, đơn giản hóa TTHC góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

Bên cạnh đó, Quyết định số 1572/QĐ-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định rõ nội dung hoạt động cụ thể như sau:

Thứ nhất, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua đối với các dự án Luật sau: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường.

Tập trung thực hiện tổng kết việc thi hành pháp luật; Khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan; Nghiên cứu, xây dựng nội dung của chính sách; Đánh giá tác động của chính sách; Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện hồ sơ, lập đề nghị xây dựng pháp luật đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), dự án Luật thuế tài sản; Bảo đảm đủ điều kiện bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và đăng ký chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Thêm vào đó, khẩn trương hoàn thiện dự thảo, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo đúng tiến độ đối với nhóm các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ hai, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật tài chính theo các hình thức thích hợp. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tài chính, kết quả thi hành pháp luật và cải cách hành chính trên các báo, tạp chí trong và ngoài ngành tài chính.

Thêm vào đó, tổ chức tọa đàm, trao đổi, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác pháp chế. Đẩy mạnh thực thi các giải pháp cải cách, đơn giản hóa TTHC, trong công tác cải cách, đơn giản hóa TTHC.

Thứ ba, về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Theo đó, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC, đảm bảo không quy định TTHC tại các Thông tư của Bộ Tài chính, không ban hành các TTHC mới khi không cần thiết; Rà soát, đơn giản hóa và nâng cao thực thi các TTHC. Kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý để bảo đảm người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về TTHC được kịp thời, đầy đủ, thuận lợi,

Đồng thời, tập trung đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; Tiếp tục tăng cường các dịch vụ công trực tuyến, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan.

Thứ tư, về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp, người nộp thuế, người khai hải quan. Đẩy mạnh hoạt động giải đáp, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và TTHC, đặc biệt là các vướng mắc mới phát sinh.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và các quy định mới về điều kiện đầu tư, kinh doanh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải lên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.