Bộ Tài chính giải đáp về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

PV. (Tổng hợp)

Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ các vùng biên giới, các cửa khẩu hải quan nhằm ngăn chặn các loại hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nhập khẩu trái phép, vận chuyển, tiêu thụ ở thị trường trong nước.

 Hoạt động nghiệp vụ Hải quan cửa khẩu. Nguồn: Internet
Hoạt động nghiệp vụ Hải quan cửa khẩu. Nguồn: Internet

Về vấn đề trên, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1829/BTC – TCHQ ngày 13/02/2017, giải đáp vướng mắc của cử tri tỉnh Bình Dương.

Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tăng cường chỉ đạo thực hiện.

Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp và đạt được các kết quả đáng ghi nhận, đồng thời đề ra các phương hướng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, cụ thể như sau:

Về công tác tham mưu, chỉ đạo

Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành và chỉ đạo triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 13/7/2015 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm chấn chỉnh những bất cập dễ bị lợi dụng để vi phạm, đồng thời nâng cao thẩm quyền, cơ sở pháp lý, kinh phí đảm bảo cho hoạt động của cơ quan chức năng.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành trong các công tác sau: Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 thay thế Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới; Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 về ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 12/5/2016 về quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ban hành Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng nhằm quy định chặt chẽ hơn về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, Bộ Tài chính tham mưu về việc kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thông qua việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; trình Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xem xét, sửa đổi Quyết định số 31/QĐ-BCĐ 389 ngày 23/5/2014 về ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch khảo sát, nắm tình hình thực tế tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kịp thời chỉ đạo đấu tranh, xử lý các hiện tượng, vụ việc vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với các kiến nghị của các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chỉ đạo lực lượng Thuế và Hải quan chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, địa bàn, đối tượng trọng điểm; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng hóa có tính chiến lược của nền kinh tế, hàng có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu... Qua đó đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, góp phần quan trọng đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tham mưu, chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các báo, đài ở TW và địa phương về chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết quả bắt giữ vi phạm của các lực lượng chức năng, cảnh báo người dân, doanh nghiệp về tác hại của buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...như phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình An ninh, Truyền hình nhân dân, đưa tin bài, phóng sự trên các báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng,...; triển khai và quản lý hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phản ánh những tiêu cực, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.

Về kết quả bắt giữ, xử lý

Từ năm 2014 đến hết năm 2016, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt vai trò điều phối hoạt động của các Bộ, ngành địa phương trong chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 617.414 vụ việc vi phạm; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 44.674 tỷ đồng; khởi tố 5.171 vụ đối với 5.987 đối tượng.

Trong đó, lực lượng Thuế, Hải quan đã bắt giữ, xử lý 273.910 vụ việc vi phạm; số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt trên 42.062 tỷ đồng; khởi tố hình sự 106vụ, chuyển cơ quan có thẩm quyền đề nghị khởi tố 237 vụ.

Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 23/9/2015 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 41/NQ-CP; Quyết định số 2415/QĐ-BCĐ389 ngày 18/8/2015 của Bộ Tài chính về triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

Hai là, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính. Cụ thể:

Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 về quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ban hành Thông tư quy định chế độ đảm bảo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ hải quan, và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định thi hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, như: trang bị hệ thống máy soi container tại các cảng biển, trạm cân, camera, tầu cao tốc; xây dựng các trung tâm kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu ở một số cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn, trọng điểm; thực hiện các đề án tem điện tử, hóa đơn điện tử...

Chỉ đạo lực lượng Thuế, Hải quan nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, thanh tra, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại và hàng giả, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo kế hoạch, chuyên đề.

Tập trung phối hợp kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại tại địa bàn cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không và các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, sông,... khu vực biên giới đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đối với các loại hàng cấm, hàng hóa chiến lược của nền kinh tế, hàng có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Triển khai các đoàn kiểm tra, tổ công tác để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kế hoạch đã đăng ký của các đơn vị; thanh tra những cơ quan, đơn vị xảy ra vụ việc phức tạp; khảo sát, nắm tình hình địa bàn trọng điểm để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, không tham gia, không tiếp tay vi phạm. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu.