Bộ Tài chính: Nhiều Nghị định đầu tư kinh doanh đã hoàn thành

Theo chinhphu.vn

Trong lĩnh vực tài chính, có 8 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh cần soạn thảo, đến nay đã trình Chính phủ 4 Nghị định và 4 Nghị định hiện đang tiếp thu ý kiến thẩm định cũng như chờ văn bản thẩm định chính thức của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ.

Đây là thông tin ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) chia sẻ với phóng viên.

Phóng viên: Thưa ông, có bao nhiêu ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính cần nâng cấp lên Nghị định theo quy định của Luật Đầu tư 2014?

Bộ Tài chính: Nhiều Nghị định đầu tư kinh doanh đã hoàn thành - Ảnh 1

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính)
Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính): Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 Thông tư có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh cần đưa lên Nghị định, thuộc 9 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cụ thể: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Kinh doanh bán hàng miễn thuế; Kinh doanh dịch vụ tập kết, kiểm tra hải quan trong, ngoài khu vực cửa khẩu; Kinh doanh chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm; Kinh doanh tái bảo hiểm; Môi giới bảo hiểm; Đại lý bảo hiểm; Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm.

Kế hoạch xây dựng các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh để triển khai thực hiện Luật Đầu tư 2014? Tiến độ cụ thể của việc xây dựng các văn bản này?

Kế hoạch soạn thảo các Nghịđịnh này có thể chia thành 2 nhóm như sau:

Nhóm 1: các Nghị định được xây dựng để quy định điều kiện đầu tư kinh doanh hiện đang quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ: (1). Nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; (2). Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Hải quan; (3). Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán; (4). Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; (5). Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định.

Đến nay, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu, cụ thể: 01 dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ (Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán); 01 dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm); 03 dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định hội đồng, hiện chờ văn bản chính thức để trình Chính phủ.

Nhóm 2: các Nghị định quy định về các ngành nghềđầu tư kinh doanh chưa có quy định pháp luật: (1). Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua cho và bóng đã quốc tế; (2). Nghị định về kinh doanh casino; (3). Nghị định quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Cả 3 Nghịđịnh này đều được Bộ Tài chính soạn thảo và được Chính phủ ban hành.

Như vậy, trong lĩnh vực tài chính có 08 nghịđịnh vềđiều kiện đầu tư kinh doanh cần soạn thảo, đến nay đã trình Chính phủ 04 Nghịđịnh và 04 Nghịđịnh hiện đang tiếp thu ý kiến thẩm định cũng như chờ văn bản thẩm định chính thức của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ.

Trong lĩnh vực thuế và hải quan, mặc dù đã những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng một số Thông tư, Nghị định vẫn còn kéo dài thời gian thông quan hay việc chậm hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp. Phải chăng muốn cải cách thuế và hải quan rất khó?

Trong năm 2014, 2015, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nên đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Thời gian nộp thuế giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm (giảm 420 giờ/năm); thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu là 13 ngày đối với xuất khẩu và 14 ngày đối với nhập khẩu; triển khai một cửa quốc gia, áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS thời gian thông qua hàng hóa đối với luồng xanh chỉ còn 3 giây.

Về việc giảm thời gian thông quan hàng hóa, trong thực tế thời gian làm thủ tục của cơ quan Hải quan chỉ chiếm 28%, trong khi thời gian kiểm tra chuyên ngành lên đến 72%. Để giảm thời gian thông quan cần phải có sự phối hợp và vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, nhất là việc sửa đổi các quy định về kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực.

Hiện, Bộ Tài chính đã và đang chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi các văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra liên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lên tới 87 văn bản. Đồng thời, thành lập các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (07 điểm) qua đó đã giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa.

Việc giảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề này phụ thuộc vào việc chấp hành, tuân thủ các quy định về hoàn thuế của doanh nghiệp cũng như việc doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý cho việc hoàn thuế. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh hoàn thuế điện tử, theo đó cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoàn thuế giá trị gia tăng để tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thuế điện tử. Hiện nay cơ sở dữ liệu đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn thiện cùng với việc xây dựng thông tư làm khung pháp lý cho việc vận hành. Khi cơ sở dữ liệu đi vào hoạt động sẽ giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế nói chung và thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng nói riêng.

Cũng liên quan đến việc giảm thời gian về thuế, tại Nghị quyết 19 năm 2016 đã đặt ra các yêu cầu khá cao đối với lĩnh vực thuế và hải quan như: Năm 2017 đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu xuống còn tối đa 10 ngày đối với xuất khẩu và 12 ngày đối với nhập khẩu. Năm 2020 đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3, thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hoá dưới 36 giờ đối với xuất khẩu, 41 giờ đối với nhập khẩu.

Để triển khai mục tiêu này, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành kế hoạch hành để cụ thể hoá thành các giải pháp có sự phân công rõ ràng, tiến độ cụ thể, trong đó có nhiều giải pháp thuộc lĩnh vực thuế, hải quan khá khẩn trương, quyết liệt./.