Bộ Tài chính sẽ tham gia chủ động hơn nữa nhằm đảm bảo tính bền vững tài chính của các dự án

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời nhân dịp Bộ Tài chính Việt Nam thừa uỷ quyền của Chính phủ Việt Nam ký các Hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản tài khoá 2012, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đã có bài phỏng vấn Thứ trưởng Trương Chí Trung về chủ đề hợp tác chiến lược lâu dài trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, cho đến nay với nền tảng hợp tác lâu dài của hai nước quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã được nâng tầm thành quan hệ đối tác chiến lược. Theo đánh giá của Thứ trưởng trong lĩnh vực hợp tác tài chính, mối quan hệ hợp tác này đã đạt được những thành tựu nào trong thời gian qua?

http://www.tapchitaichinh.vn/Uploaded/tranngocanh/2012_11_14/1486908.JPG?maxwidth=434&speed=0
Thứ trưởng Bộ Tài chính
 Trương Chí Trung
Thứ trưởng Trương Chí Trung: Cho đến nay hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Nhật Bản tập trung trong việc sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Kể từ khi nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992, đến nay tổng số vốn vay ưu đãi của Nhật Bản cam kết dành choViệt Nam đã lên tới 2000 tỷ Yên và Nhật Bản luôn là Nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam.

Các dự án dùng vốn vay ưu đãi của Nhật Bản tập trung hầu hết trong các lĩnh vực như giao thông (đường quốc lộ, cầu, cảng biển, sân bay, tầu điện ngầm), năng lượng (thuỷ điện và nhiệt điện), phát triển đô thị (cấp thoát nước, xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị), viễn thông, nâng cao mức sống khu vực nông thôn.

Nhiều dự án lớn sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi; các quốc lộ số 5,10,18 tại khu vực đồng bằng bắc bộ, các cầu Bãi Cháy, Cần Thơ, Bính (Hải Phòng), cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân, nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, đại lộ Đông – Tây TP.Hồ Chí Minh, cải thiện môi trường nước TP. Hà Nội giai đoạn 1...

Một số dự án lớn đang thực hiện như tuyến tầu điện ngầm số 1 TP.Hồ Chí Minh, cầu Nhật Tân, Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên, nhiệt điện Nghi Sơn 1, tuyến cáp quang ven biển Bắc – Nam... Ngoài các khoản vay tài trợ cho dự án, Nhật Bản còn cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam theo hình thức hỗ trợ ngân sách trực tiếp với các khoản đồng tài trợ với Ngân hàng Thế giới cho các chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC), khoản vay kích cầu năm 2009 và các khoản vay cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Ngoài việc cho Việt Nam vay vốn ưu đãi, trong lĩnh vực tài chính, Nhật Bản còn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực hải quan, thuế, chứng khoán... thông qua việc viện trợ thiết bị, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng chế độ chính sách, đào tạo cán bộ. Hiện tại, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện chương trình hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA trong các nội dung như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án, quản lý việc đấu thầu, mua sắm... Các hoạt động hợp tác này trong thời gian qua đã tỏ ra rất thiết thực và hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của phía Việt Nam trong việc hoàn thiện công tác quản lý tài chính.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, về phía Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ có những giải pháp, chính sách gì để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA nói chung và nguồn vốn ODA Nhật Bản nói riêng?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan và cộng đồng nhà trợ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.

Để hướng dẫn Nghị định mới này, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện song song việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 108/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA theo hướng nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa và đồng bộ hóa các thủ tục quản lý tài chính đối với nguồn vốn ODA nhằm đáp ứng các yêu cầu mới và các quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với nguồn vốn ODA Nhật Bản là một trong những nguồn vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, tài chính tín dụng, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực… trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tham gia chủ động hơn nữa với các cơ quan liên quan từ khâu hình thành chuẩn bị dự án cho đến khâu triển khai thực hiện và kết thúc, quyết toán dự án nhằm đảm bảo tính bền vững tài chính của các dự án cũng như đảm bảo việc tuân thủ các quy định về tài chính trong quá trình thực hiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!