Bộ Tài chính tăng cường nhiều giải pháp cân đối thu chi ngân sách nhà nước

Nguyễn Huyền

(Tài chính) Chiều 10/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi Họp báo thường kỳ quý III/2013 thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác 9 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng cuối năm 2013.

Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: Financeplus.vn
Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: Financeplus.vn

Tham dự buổi họp báo có sự góp mặt của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn

Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, về công tác điều hành thu NSNN trong năm 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN; tổ chức hướng dẫn các Cục Thuế và Chi cục Thuế địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thu NSNN nói chung và việc hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền nói riêng. Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác chống buôn lậu trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới; hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan. Khẩn trương rà soát, phân loại nợ thuế.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện dự toán thu NSNN trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tổng thu cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 52.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.700 tỷ đồng (+5,4%) so với mức thực hiện tháng 8; Lũy kế đến hết tháng 9/2013, tổng thu NSNN ước đạt 543.835 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, xét về thu nội địa, trong 9 tháng năm 2013, ước đạt 64,7% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2012 (không kể thu tiền sử dụng đất thì đạt 65,8% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ). Ước tính chỉ có 6/14 khoản thu đảm bảo tiến độ theo dự toán (từ 75% dự toán trở lên), nhưng là các khoản thu nhỏ; 8/14 khoản thu còn lại tiến độ thu đạt thấp hơn so với yêu cầu như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (đạt 60,6%), thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 69,5%), thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (đạt 64,1%)… Hầu hết các sắc thuế chủ yếu đều đạt thấp so dự toán, như: thuế giá trị gia tăng (đạt 65,5%), thuế thu nhập doanh nghiệp (đạt 57,9%), thuế thu nhập cá nhân (đạt 67,2%), thuế bảo vệ môi trường (đạt 60%)...

Đến hết tháng 9/2013, ước tính có 23 địa phương thu đạt yêu cầu tiến độ dự toán, chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ; 40 địa phương còn lại tiến độ thu chưa đạt yêu cầu, trong đó có các địa phương trọng điểm thu như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… có 57 địa phương thu bằng hoặc tăng với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên mức tăng không lớn; 6 địa phương còn lại (Hà Nội, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và Đắk Nông) thu thấp hơn cùng kỳ.

Đối với nguồn thu từ dầu thô, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 9 tháng, số thu ước đạt 84,1% dự toán, trên cơ sở giá dầu bình quân 9 tháng đạt trên 111 USD/thùng, tăng 21 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán ước đạt 11,16 triệu tấn, bằng 79% kế hoạch.  

Trong khi đó, tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 67,4% dự toán; sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối ngân sách ước đạt 61,9% dự toán. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước tăng trưởng 15,% so với cùng kỳ; song thu ngân sách từ lĩnh vực này vẫn đạt thấp chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao giảm mạnh.

Đối với công tác điều hành chi NSNN, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị tiếp tục rà soát các khoản chi đã bố trí trong dự toán để tiếp tục cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng gửi văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xử lý một số vướng mắc trong thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch năm 2013.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vướng mắc trong việc thu hồi vốn ứng trước NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013; đang xin ý kiến các Bộ, ngành về việc xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng chi NSNN tháng 9 và lũy kế tổng chi 9 tháng đầu năm ước đạt 70% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó:

Chi đầu tư phát triển: ước đạt 70,8% dự toán; giải ngân vốn đầu tư XDCB vốn NSNN đạt khoảng 70,4% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 74,6% kế hoạch.

Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,  quản lý hành chính (bao gồm chi thực hiện cải cách tiền lương): ước đạt 71,8% dự toán, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong 9 tháng đầu năm, công tác tổ chức điều hành NSNN đã được triển khai tích cực, chủ động; trong điều kiện thu khó khăn, song NSNN luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán; đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách tăng lương cơ sở (từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng) từ ngày 1/7/2013 và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Bên cạnh đó, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp trên 47.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Quyết liệt điều hành những tháng cuối năm

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, do tình hình cân đối NSNN khó khăn, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ động; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước của cả năm.

Đồng thời, trong những tháng cuối năm 2013, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chủ động phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước trọng điểm có số thu NSNN lớn để tiếp tục giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường quản lý thu ngân sách, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2013. Kiểm tra chặt chẽ công tác hoàn thuế. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nợ đọng đến cuối năm không quá 5% số thực hiện thu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, tăng cường kiểm soát chi ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Hướng dẫn các địa phương căn cứ vào khả năng thu để tổ chức điều hành chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm; Thực hiện tốt các chính sách về tiền lương và an sinh xã hội đã ban hành; hỗ trợ cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai…