Bộ Tài chính tích cực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, tăng cường kiểm soát, điều hành giá cả… theo tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

 Bộ Tài chính tích cực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ
Bộ Tài chính tích cực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Nguồn: internet
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước
 
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan và cơ quan tài chính địa phương tập trung rà soát kỹ từng khoản thu, nhiệm vụ chi, phấn đấu nỗ lực thực hiện nhiệm vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013.
 
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 8/8/2013 về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách để đảm bảo thực hiện dự toán thu NSNN năm 2013. Trong đó yêu cầu cơ quan thuế các cấp thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 15% số doanh nghiệp đang quản lý thuế; thu hồi kịp thời số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách, đạt tối thiểu 75-80% số thuế phát hiện tăng thêm. Cơ quan Hải quan kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, trốn thuế, phấn đấu kết quả thu qua công tác kiểm tra sau thông quan năm 2013 tăng tối thiểu 30% so với năm 2012.
 
Bộ Tài chính  đã ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2013.
 
Trong đó, yêu cầu UBND các địa phương tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
 
Tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương khi nguồn thu địa phương hụt giảm so với dự toán. 
 
Trong tháng 8/2013, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành kiện toàn hệ thống chính sách, cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế (Thông tư liên tịch số 113/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 15/8/2013), về việc làm và dạy nghề (Thông tư liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013).
 
Kiểm soát, điều hành giá cả chặt chẽ
 
Trong tháng 8/2013, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83% so với tháng 7/2013, nhưng nguyên nhân chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên bộ 04/TTLT/BYT-BTC. Nhằm chủ động bình ổn giá cả thị trường từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 10397/BTC-QLG ngày 08/8/2013 yêu cầu UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013.
 
Bên cạnh đó, theo lộ trình đã đề ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khác thực hiện điều chỉnh một bước giá bán đối với các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp từ ngày 1/8/2013.  
 
Ví dụ, với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường thế giới, cho phép tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn.
 
Với điều hành giá sữa, đầu tháng 8, Bộ Tài chính có công văn số 10323/BTC-QLG gửi Bộ Y tế về việc phân loại các sản phẩm sữa, danh sách các công ty sản xuất, kinh doanh sữa, danh mục các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và Danh mục các thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Chính phủ.
 
Cục Quản lý giá cũng đề nghị các doanh nghiệp sữa cung cấp danh mục sản phẩm sữa, các sản phẩm thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi mà hiện nay doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối để đảm bảo cho công tác quản lý, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản liên quan.
 
Triển khai tái cơ cấu
 
Đối với việc tái cơ cấu thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, trong 8 tháng qua, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có vấn đề về an toàn tài chính, thanh khoản, vi phạm các quy định về giao dịch, bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
 
Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán theo mục tiêu đảm bảo sự ổn định của thị trường chứng khoán, không gây ra những xáo trộn lớn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư...

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước khẩn trương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu của đơn vị. Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh và báo cáo kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất - kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý theo hướng tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với thực hiện năm 2012 chậm nhất vào ngày 15/9/2013. Trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai thực hiện, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế giám sát tài chính và công khai thông tin kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013.
 
Đối với việc tái cơ cấu đầu tư công: Tính đến hết tháng 8/2013, theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công; rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; thực hiện thẩm tra việc phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2013 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.