Bộ Tài chính tiếp nhận dự án R-PATA

Theo Tổng cục Hải quan

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đồng ý Việt Nam tham gia thực hiện Dự án “Hỗ trợ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại đối với việc triển khai kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)” (các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS)/Tam giác tăng trưởng Inđônêxia - Malaysia - Thái Lan) (R-PATA) đồng thời giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Dự án.

R-PATA là Dự án nằm trong cam kết dài hạn của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về vận tải và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực và được tài trợ bởi Quỹ giảm nghèo Nhật Bản. Trị giá của Dự án là khoảng 2 triệu đô la Mỹ cho cả khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và Tam giác tăng trưởng Inđônêxia - Malaysia - Thái Lan.

Các hoạt động chủ yếu của Dự án là xây dựng các chỉ số đánh giá thuận lợi thương mại để đưa ra các báo cáo và đánh giá kết quả triển khai dự án; hỗ trợ hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan biên giới dựa vào các báo cáo phân tích bao gồm: i) báo cáo về việc đánh giá các hệ thống và thủ tục Hải quan; ii) phát triển kế hoạch hành động tham vấn các cơ quan Chính phủ trong việc thúc đẩy hiệu quả và tăng cường quản lý hải quan biên giới; iii) xây dựng kế hoạch hành động cho việc hiện đại hóa hải quan trong công tác phối hợp quản lý tại cửa khẩu biên giới; iv) cải cách hệ thống thủ tục thông qua việc triển khai áp dụng công nghệ phấn cứng.

Dự án cũng nhằm tăng cường thể chế và khung pháp lý trong việc tạo thuận lợi thương mại.

Kết quả mà dự án đạt được là sẽ thiết lập nên các chỉ số đánh giá thuận lợi thương mại; hỗ trợ và hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan biên giới và cuối cùng là tăng cường thể chế và khung pháp lý.

Dự án được thực hiện từ 9/2012 đến 4/2014.

Ngay sau khi có quyết định tiếp nhận Dự án, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các chuyên gia ADB để xác định nhu cầu hỗ trợ từ phía Hải quan Việt Nam. Theo đó các nội dung chính mà Hải quan Việt Nam đề xuất và phía ADB đã đồng ý hỗ trợ là: Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên (AEO) và hoạt động nghiên cứu thời gian giải phóng hàng (TRS) và các chỉ số tạo thuận lợi khác.

Hỗ trợ cụ thể đầu tiên mà Hải quan Việt Nam nhận được từ Dự án cho đến nay là ADB tài trợ cho Hải quan Việt Nam tổ chức một Hội thảo quốc gia về nghiên cứu thời gian giải phóng hàng dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 2/2013. Trong thời gian tới, Hải quan Việt Nam và ADB sẽ tiếp tục trao đổi về phương án và lộ trình thực hiện các nội dung khác của Dự án.